|
Tuy Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều nhưng mức tiêu thụ trong nước lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đây là một nội dung được nhiều doanh nghiệp trong ngành quan tâm trong khuôn khổ Hội nghị khách hàng điều quốc tế do Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức tại Tp.HCM từ ngày 10-12/6/ vừa qua.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó chủ tịch Vinacas nói, sức tiêu thụ hạt điều ở Việt Nam không nhiều như ở Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc. Hạt điều được người tiêu dùng trong nước xem như là sản phẩm cao cấp chỉ dành cho tầng lớp trung lưu hoặc dùng biếu tặng dịp Tết.
Tuy thị trường trong nước được đánh giá là đầy tiềm năng với 86 triệu dân nhưng mức tiêu thụ hạt điều chỉ chiếm 1,8-2,2% sản lượng nhân điều đã qua chế biến (mặc dù sau 10 năm, lượng nhân hạt điều ăn liền trong nước đã tăng 4,1 lần). Đây là điều đáng suy nghĩ, nếu so với Ấn Độ, xuất khẩu đứng hàng thứ 2 thế giới nhưng thị trường trong nước chiếm đến 40-50%.
Ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long bộc bạch, công ty đã mất 5 năm theo đuổi thị trường trong nước nhưng kết quả là “chưa kiếm được đồng lợi nhuận nào mà phải lấy lợi nhuận từ xuất khẩu bù qua”.
Theo ông Long phân tích, nguyên nhân sức mua trong nước kém là do sản phẩm chế biến từ hạt điều có giá quá cao so với túi tiền người dân, khoảng 10 USD/kg. Mặt khác, do thị trường trong nước tiêu thụ thấp nên doanh nghiệp chế biến có quan điểm ưu tiên hàng chất lượng cho xuất khẩu và đưa những mặt hàng chất lượng chưa như mong muốn cho người tiêu dùng trong nước dù giá không hề rẻ. Ông Long cho rằng đây là điều doanh nghiệp cần xem xét lại.
Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, căn bệnh cố hữu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam là quá dựa vào xuất khẩu, không chú trọng thị trường trong nước. Doanh nghiệp ít quan tâm hoặc còn bỏ ngỏ thị trường nội địa.
Bà Loan cho biết, rất nhiều quốc gia mạnh về nông sản của thế giới đã triển khai chiến lược tiêu thụ nông sản nội địa, còn Việt Nam vẫn chưa có chuyển biến lớn trong lĩnh vực này. Hơn nữa, sản phẩm hàng hóa từ hạt điều đơn điệu, mới dừng lại ở điều rang muối, chao dầu, kẹo hoặc bánh có nhân điều. Công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm hạn chế, chỉ bán rộng rãi vào dịp Tết Nguyên đán... nên chưa tạo thói quen tiêu dùng trong người dân.
Ông Chiểu cho biết, tín hiệu đáng mừng trong những năm gần đây là sự tiêu thụ các loại hạt, trong đó có hạt điều tăng dần lên do thu nhập người dân cải thiện và họ chú ý hơn đến sức khoẻ.
Bà Loan cũng tin rằng, với vị trí số một thế giới về xuất khẩu thì không lý do gì hạt điều Việt Nam không chiếm lĩnh được thị trường sân nhà. Thực tế cho thấy, hạt điều chiếm được sự yêu thích của người tiêu dùng nhiều hơn so với các loại hạt khác. Hạt điều là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều đạm, đầy đủ các loại axit amin cần thiết. Đây cũng là thực phẩm giàu chất béo 0% cholesterol, thích hợp cho người ăn kiêng, ăn chay và là dược phẩm có giá trị đối với một số bệnh.
Để kích cầu thị trường trong nước, ông Chiểu cho rằng, cần có chương trình quảng bá, công bố giá trị dinh dưỡng hạt điều bởi thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng ăn cho vui chứ chưa biết giá trị dinh dưỡng của chúng ra sao. Nếu có chương trình này chắc chắn sẽ nâng mức tiêu thụ hạt điều trong nước lên.
Còn phía doanh nghiệp, cần xây dựng thương hiệu uy tín. Mặt khác cần chú ý đến việc đa dạng hóa sản phẩm và có thể phối hợp nhiều loại hạt khác nhau trong cùng một sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện nay. Bà Loan cho rằng, cần có sự hợp tác giữa các nhà sản xuất, chế biến điều và nhà bán lẻ và giữa hiệp hội với nhau.
Trong tờ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Chiến lược Phát triển bền vững ngành điều giai đoạn 2010 đến 2020 của Hiệp hội điều Việt Nam, Hiệp hội có đề ra quy hoạch Phát triển sản phẩm.
Cụ thể, đến năm 2015, chế biến được 190.000 tấn nhân điều thô. Trong đó, 150 ngàn tấn nhân thô cho xuất khẩu, 30 nghìn tấn chế biến sâu và tiêu dùng trong nước là 10.000 tấn (chiếm 5,3%). Đến năm 2020, chế biến 220 ngàn tấn nhân thô, xuất khẩu 120 ngàn tấn, tiêu dùng trong nước lên 35 ngàn tấn, còn lại chế biến sâu.
Theo VnEconomy
|