Theo dự thảo GSP mới của EU, một số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt có khả năng không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế quan của EU.
Thương Vụ Việt Nam tại EU và Bỉ cho biết, Uỷ ban châu Âu (EC) đã trình Hội đồng các Bộ trưởng và Nghị viện châu Âu xem xét dự thảo GSP mới. Theo đó, sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung và thông qua quy định mới về GSP của EU, dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2014.
Trong dự thảo, EC sẽ đưa một số nước ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan. Theo tính toán, nếu các quy định trong dự thảo được áp dụng vào thời điểm hiện tại thì chỉ còn khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng GSP của EU.
Dự thảo có một số sửa đổi về cơ chế “trưởng thành”. "Trưởng thành" có nghĩa là việc nhập khẩu vào EU sẽ không được hưởng ưu đãi GSP nữa, nếu tổng nhập khẩu hàng hóa đó vượt quá tỷ lệ do EU ấn định so với tổng nhập khẩu hàng hóa tương tự được hưởng GSP của EU.
Theo quy định trong dự thảo thì số mục trong Biểu thuế sẽ tăng từ 21 lên thành 32, còn tổng hàng hóa của một quốc gia để bị coi là “đã trưởng thành” sẽ là từ 15% lên 17,5% (và từ 12,5% lên 14,5% với hàng dệt may).
Như vậy, đến khi quy chế GSP mới của EU có hiệu lực thi hành, Việt Nam sẽ vẫn nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi GSP của EU, tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt sẽ rất dễ bị coi là “đã trưởng thành” và không được hưởng ưu đãi GSP nữa (như hiện nay đối với Mục XII – chủ yếu là giày dép).
Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại EU và Bỉ khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU cần chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng đa dạng hóa hơn nữa thị trường xuất khẩu và có những đối sách chủ động đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu vào EU cao - có khả năng bị coi là “trưởng thành”.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng tới dự thảo về việc không thay đổi chính sách “Tất cả mọi thứ trừ vũ khí” của EU đối với các nước kém phát triển nhất để có thể thu được lợi ích khi hai nước Lào và Campuchia đang và sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi này.
Từ năm 1971, EU đã có các quy tắc đảm bảo hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển chỉ phải chịu mức thuế thấp hơn trên một số hoặc tất cả những gì họ bán cho EU tạo thuận lợi cho các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận thị trường EU gọi là " Hệ thống Ưu đãi Thuế quan (GSP)".
Hệ thống này bao gồm ba chế độ ưu đãi khác biệt: Ưu đãi chung (GSP) hiện đang cấp cho 176 nước đang phát triển và vùng lãnh thổ; Ưu đãi đặc biệt (GSP+) dành cho các nước đang phát triển dễ bị tổn thương và thực hiện các công ước quốc tế trong các lĩnh vực phát triển bền vững và quản trị tốt; Ưu đãi đặc biệt dành cho các nước kém phát triển nhất- Tất cả mọi thứ trừ vũ khí (EBA).
Theo Vinanet