Trong lúc lãi suất đang ở đỉnh cao chót vót, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi vay cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng hình thức ưu đãi vốn với mức vay thấp hơn thông thường 1-2% một năm.
Ngay từ đầu tháng 7, Eximbank đã thực hiện chương trình "Tài trợ xuất khẩu bằng tiền đồng", lãi suất 19,5% một năm dành cho doanh nghiệp xuất khẩu, với tổng vốn 2.000 tỷ đồng.
Nguồn tiền này nhằm bổ sung vốn thu mua hàng hóa, nguyên vật liệu, thanh toán cho các chi phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh chế biến hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp. Thời gian cho vay tối đa 6 tháng.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương (VietinBank) chi nhánh TP HCM, trong năm nay cũng dành 2.000 tỷ đồng tài trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Lãi suất cho vay thấp hơn 2% một năm với tiền đồng hoặc thấp hơn 1,5% một năm nếu vay USD, so với lãi suất vay thông thường.
Riêng cho vay với doanh nghiệp không thuộc chương trình xuất khẩu năm 2011, mức giảm lần lượt là 1% mỗi năm (VND) và 0,5% một năm (USD) so với lãi suất thông thường đang áp dụng tại chi nhánh. Chương trình được triển khai đến 30/9 hoặc đến khi có thông báo mới của VietinBank.
Ngoài hai ông lớn trên, trước đó nhiều ngân hàng khác như OceanBank, VIB... cũng đã hướng đến việc triển khai chương trình ưu đãi cho đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo đại diện Eximbank, áp lãi suất ưu đãi trên nằm trong việc hưởng ứng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.
Vị đại diện nhà băng cho biết thêm, nguồn tiền mà ngân hàng cho vay bao gồm vốn huy động, vốn trên thị trường liên ngân hàng và vốn chủ sở hữu cấu thành. Giá vốn cao vào ngân hàng chỉ chiếm một phần, hòa vào các nguồn giá thấp sẽ cho ra được mức huy động thấp. Chính vì vậy mà Eximbank mới đưa ra được mức cho vay 19,5% một năm đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Còn theo lãnh đạo Vietinbank, doanh nghiệp được vay theo chương trình sẽ là các đơn vị sản xuất kinh doanh, chế biến hàng xuất khẩu có nhu cầu vay vốn ngắn hạn (bằng VND hoặc USD) dưới hình thức chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu.
Để vay được số tiền này, doanh nghiệp phải cam kết thực hiện thanh toán hàng xuất khẩu qua chi nhánh tối thiểu bằng nguồn thu hình thành từ vốn vay và chiết khấu tại VietinBank. Đồng thời, phải ưu tiên bán cho chi nhánh nguồn ngoại tệ thu được từ việc vay vốn này.
Tuy nhiên, theo thông tin từ vị lãnh đạo này, vì đang là thời điểm nhà băng đánh giá lại kết quả hoạt động chung của 6 tháng đầu năm nên chương trình trên cũng đang trong giai đoạn đánh giá lại kết quả thực hiện, sau đó mới triển khai tiếp.
Hiện nay, tăng trưởng dư nợ tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất của một số nhà băng tuy đạt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 22% trên tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, lãnh đạo của nhiều nhà băng cho biết, thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục cơ cấu lại dư nợ theo hướng giảm dần tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất và tập trung vốn cho khu vực sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Theo VnExpress