|
Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố các quy định mới, trong đó buộc các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ và cho phép EC áp đặt trừng phạt đối với các ngân hàng tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính mới.
Quy định mới được đưa ra trong nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi của 8.200 ngân hàng trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi nhiều ngân hàng đã được cứu trợ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ủy viên phụ trách các thị trường nội khối của EU, Michel Barnier, khẳng định châu Âu sẽ đi tiên phong trong việc thực thi thỏa thuận toàn cầu Basel III được ký tại Basel (Thụy Sỹ) tháng 9/2010 về quản lý tiền vốn và khả năng thanh khoản của các ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải nắm giữ "vốn nhiều và hiệu quả hơn" để tự chống chọi với các cú sốc tài chính xảy ra trong tương lai, thay vì phụ thuộc vào các gói cứu trợ tài chính của chính phủ.
Ông Barnier cho biết các ngân hàng châu Âu, hiện chiếm 53% tài sản ngân hàng toàn cầu, sẽ phải tăng gấp ba mức vốn điều lệ hiện nay lên 460 tỷ euro vào năm 2019.
Ngoài ra, EC còn đề xuất rằng các nhà giám sát tài chính EU cần phải được tăng thêm quyền lực để giám sát các ngân hàng chặt chẽ hơn cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt khi họ phát hiện rủi ro ở mức cao.
Theo Vietnam+
|