Trong trào lưu hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang xem xét việc gia nhập các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Điều này đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện môi trường pháp lý và kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo đó, 3 công ước mà Việt Nam đang xem xét là: Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc pháp luật liên quan đến vận đơn đường biển (Quy tắc Hague-Visby), Công ước của Liên hợp quốc về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển (Quy tắc Hamburg) và Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng vận chuyển hàng hóa một phần hoặc toàn bộ bằng đường biển (Quy tắc Rotterdam).
Thực tế, khi tham gia vào một hiệp ước quốc tế, Việt Nam cần hoàn thiện môi trường pháp luật và kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Nhằm phân tích và trao đổi về những tác động ảnh hưởng khi Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế về vận tải hàng hóa bằng đường biển, Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động của việc Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển” tại Hà Nội ngày 26/7/2011 và tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/7/2011 với sự tham dự các hiệp hội, doanh nghiệp về vận tải đường biển và cơ quan chức năng liên quan.
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước sẽ trình bầy những nghiên cứu về đánh giá tác động trên những phương diện khác nhau: pháp lý, kinh tế, thương mại và môi trường kinh doanh, khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Trên cơ sở các nghiên cứu và trao đổi, các chuyên gia đưa ra những đề xuất phù hợp để lựa chọn công ước quốc tế mà Việt Nam cần tham gia.
Theo Vinanet