|
Thế giới tuần qua chứng kiến hai cú sốc. Làn sóng bán tháo cổ phiếu mạnh mẽ trong hai phiên 8/8 và 10/8 đã khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu rớt điểm mạnh và làm giới phân tích quốc tế không khỏi lo sợ, liệu kịch bản khủng hoảng 2008 có lặp lại?
Cú sốc thứ nhất bắt nguồn từ một lý do thực tế, việc tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's hạ bậc tín dụng cao nhất của Mỹ từ AAA xuống AA+. Lần đầu tiên trong lịch sử, nền kinh tế lớn nhất thế giới bị mất thứ hạng tín nhiệm cao nhất.
Động thái hạ bậc tín nhiệm diễn ra vào cuối tuần trước đó, ngày 5/8 và được dự kiến sẽ gây sóng gió trong phiên giao dịch 8/8, khi các thị trường hoạt động trở lại sau đợt nghỉ. Và điều đó đã xảy ra đúng như các dự báo của giới phân tích.
Thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc mạnh. Kết thúc ngày 8/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones tuột 634,76 điểm, tương ứng 5,55%, xuống 10.809,85 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 79,92 điểm, tương ứng 6,66%, xuống còn 1.119,46 điểm. Chỉ số Nasdaq rơi tự do 174,72 điểm, tương ứng 6,90%, xuống 2.357,69 điểm.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái tới nay, chỉ số Dow Jones rớt xuống dưới ngưỡng kỹ thuật 11.000 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 đã giảm tới 17,9% kể từ phiên 29/4 tới nay.
Tương tự như thị trường Mỹ, khu vực chứng khoán châu Âu lao dốc mạnh trong phiên 8/8. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,39% xuống 5.068,95 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 4,68% xuống còn 3.125,19 điểm. Chỉ số DAX của Đức chốt ở mức 5.923,27 điểm, giảm tới 5,02%.
Đóng cửa trước đó, hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng bị mất điểm trầm trọng. Tình trạng bán tháo lan rộng toàn thị trường. Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 2,5% xuống 122,97 điểm, thấp nhất kể từ ngày 10/9/2010 tới nay.
Ngay trước và sau khi thị trường chứng khoán thế giới mở cửa trở lại, hàng loạt tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước như G-20, G-7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU)... đã nhóm họp và công bố chính sách hợp tác ngăn chặn đà suy thoái lan rộng.
Các cuộc trao đổi điện thoại diễn ra dồn dập giữa các nhà lãnh đạo các nước, những người đứng đầu các cơ quan tài chính quốc tế và thống đốc ngân hàng trung ương, nhằm kêu gọi cùng hợp lực khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ thảm họa tài chính, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Hàng loạt bài báo, bình luận, phân tích được đăng tải trong thời gian này đều dường như có chung quan điểm, năm 2011 là "phần kế tiếp" của cuộc khủng hoảng 2008 hay "kịch bản khủng hoảng 2008 đang lặp lại vào năm 2011".
Tóm lại, những gì đã xảy ra trong phiên giao dịch đầu tuần trước là một cú sốc thực sự. Nói như Matthew Peron, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán thuộc quỹ tín thác Northern ở Chicago, "chúng ta đang chứng kiến tình trạng bán tháo một cách hỗn loạn thực sự, vượt xa những gì chúng ta từng thấy".
Tuy nhiên, cú sốc thứ hai diễn ra sau đó hai ngày, phiên 10/8, sau khi các thị trường đã tương đối bình ổn trở lại bởi các tuyên bố dứt khoát, mạnh mẽ của chính phủ các nước, các định chế tài chính quốc tế, lại bắt nguồn từ một lý do muôn thuở: Tin đồn trục lợi.
Cú sốc này cũng khiến các thị trường chao đảo không kém phiên 8/8. Chốt ngày 10/8, Dow Jones trượt 519,83 điểm, tương ứng 4,62%, xuống 10.719,94 điểm. S&P 500 giảm 51,77 điểm, tương ứng 4,42%, xuống còn 1.120,76 điểm. Nasdaq hạ 101,47 điểm, tương ứng 4,09%, xuống 2.381,05 điểm.
Khối lượng giao dịch trên toàn thị trường một lần nữa tăng đột biến, với khoảng 15,1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, gần gấp đôi so với mức trung bình hàng ngày 7,8 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay.
Chỉ số các ngân hàng châu Âu trượt 6,7%, trong khi chỉ số KBW ngân hàng Mỹ giảm 4,9%. Đáng chú ý tại Mỹ, cổ phiếu của ngân hàng Bank of America giảm tới 10,9% xuống 6,77 USD, cổ phiếu của Goldman Sachs trượt hơn 10% xuống 110,34 USD.
Tương tự thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu đỏ quạch trong phiên giao dịch 10/8. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3,05% xuống còn 5.007,16 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 5,45% xuống còn 3.002,99 điểm. Chỉ số DAX của Đức hạ 5,49% xuống còn 7.966 điểm.
Nguyên nhân khiến các thị trường sụt điểm mạnh là bởi một tin đồn thất thiệt được truyền đi khắp các thị trường tài chính rằng khủng hoảng nợ công châu Âu đã tác động mạnh tới độ tín nhiệm của các ngân hàng Pháp và sẽ nhanh chóng lan sang các định chế tài chính Mỹ.
Tệ hơn, báo lá cải Mail of Sunday của Anh đưa tin, ngân hàng lớn thứ hai của Pháp Société Générale sắp phá sản do thua lỗ nặng vì mua tín dụng của Hy Lạp. Cổ phiếu Société Générale mất giá 20%, kéo theo toàn bộ các chỉ số chứng khoán khác ở Pháp, sau đó làn sóng rớt giá lan ra toàn châu Âu và Mỹ.
Ngay sau vụ việc này xảy ra, Ủy ban Thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA) trong một thông báo hôm 11/8 cho hay, bốn quốc gia châu Âu là Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ nhất trí ban hành lệnh cấm bán khống.
Theo lệnh ban hành, Pháp sẽ cấm bán khống 11 loại cổ phiếu tài chính trong vòng 15 ngày, Tây Ban Nha sẽ áp dụng lệnh cấm đối với 16 loại cổ phiếu tài chính và Bỉ cấm bán khống bốn loại cổ phiếu tài chính trong một thời hạn không xác định.
EMSA cho biết, bán khống cùng với đồn đoán đã tạo ra thảm kịch "hết sức lường gạt" trên thị trường. Do vậy, việc 4 quốc gia trên ban hành hoặc gia hạn lệnh cấm bán khống hiện hành nhằm mục tiêu hoặc ngăn chặn những hành động trục lợi nhờ các tin đồn thất thiệt hoặc tạo dựng một sân chơi bình đẳng hợp pháp.
Lệnh cấm bán khống chứng khoán của châu Âu tương tự như lệnh cấm mà Ủy ban ngoại hối và chứng khoán Mỹ đưa ra hôm 19/9/2008, bốn ngày sau khi Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ, để bảo vệ sự toàn vẹn và chất lượng của các thị trường chứng khoán cũng như củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
Như vậy, về bản chất, đà bán tháo trên các thị trường chứng khoán phiên 10/8 và 8/8 là khác nhau. Nói một cách khác, tình trạng sụt giảm của thị trường do động thái của Standard & Poor's đã tạm thời được chặn lại sau tuyên bố hợp tác của các quốc gia trên thế giới trong hai ngày 8 - 9/8.
Và theo đó, những diễn biến trên thị trường tiếp theo liệu có liên quan tới cuộc khủng hoảng tài chính 2008 hay không, sẽ phải trông chờ vào tình hình kinh tế thế giới phục hồi ra sao cũng như các biện pháp thực tế của chính phủ các nước nhằm cứu vãn nền kinh tế của mình như thế nào.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal từng chỉ ra những khác biệt giữa tình hình khó khăn hiện nay với cuộc khủng hoảng năm 2008. Thứ nhất, cuộc khủng hoảng 2008 đi từ dưới lên, từ những người mua nhà quá lạc quan, sau đó lan đến Phố Wall, với một phần trợ giúp của các hãng xếp hạng tín dụng và ảnh hưởng toàn cầu.
Trong khi tình hình khó khăn hiện nay đi từ trên xuống, việc các chính phủ trên khắp thế giới không thể kích thích nền kinh tế của mình cũng như không thể ổn định tình hình trong nước đã dần làm mất lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp và tài chính.
Điều này dẫn đến việc lĩnh vực tư nhân cắt giảm mạnh chi tiêu và đầu tư và điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn dẫn đến thất nghiệp cao và tăng trưởng chậm. Trong trường hợp này, các thị trường và ngân hàng là nạn nhân chứ không phải là thủ phạm.
Thứ hai, các công ty tài chính và các hộ gia đình đã hưởng thụ tín dụng rẻ trong thời gian trước khủng hoảng 2007-2008. Khi bong bóng vỡ, khó khăn từ việc phải cắt giảm tỷ lệ nợ một cách cấp tốc đã dẫn đến cú sốc suy thoái chung. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đi theo chiều hướng ngược lại.
Tình trạng kinh tế trì trệ đang khuyến khích các công ty và cá nhân tích giấu tiền mặt của mình và né tránh việc vay mượn và điều này dẫn đến tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư chậm chạp.
Cuối cùng chính là hậu quả của hai sự khác biệt trên. Do nguồn gốc của cuộc khủng hoảng 2008, có một giải pháp đơn giản đó là chính phủ các nước phải nhảy vào can thiệp, tạo tính thanh khoản cho nền kinh tế thông qua lãi suất thấp, cứu trợ ngân hàng và bơm tiền mặt vào nền kinh tế.
Song, giải pháp này không nằm trong "đơn thuốc chữa trị" cho những khó khăn hiện nay. Những căng thẳng hiện tại không phải do thiếu tính thanh khoản. Các công ty Mỹ đang nắm giữ tiền mặt ở mức kỷ lục. Sổ sách quyết toán của các doanh nghiệp và cá nhân không còn chồng chất các khoản nợ.
Vấn đề ở đây là sự thiếu tin tưởng của các thể chế tài chính đối với các thể chế tài chính khác và đối với khả năng của chính quyền trong việc kích hoạt tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng trung ương bơm thêm tiền vào một nền kinh tế tràn ngập tiền mặt sẽ không mấy hữu ích trong việc giải quyết khó khăn hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ, Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF cũng đồng tình rằng, hiện trạng trên các thị trường tài chính thế giới phản ánh ở mức độ cao sự bất lực của các nhà hoạch định chính sách thế giới trong việc sắp xếp lại trật tự ngôi nhà chung tài chính-tiền tệ toàn cầu.
Thậm chí, theo Chủ tịch WB Robert Zoellick, thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới "nguy hiểm hơn" với rất ít "chỗ thở" tại hầu hết các nền kinh tế phát triển. Ông khẳng định thế giới đang ở giai đoạn đầu của một cơn bão mới, không giống như năm 2008, thời điểm xảy ra cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu.
Theo VnEonomy
|