|
Trung Quốc và Nhật Bản vừa lên tiếng kêu gọi sự phối hợp hành động toàn cầu để chặn một cơn bão tài chính mới, hãng tin Reuters cho biết. Lời kêu gọi này được đưa ra khi nỗi lo về khủng hoảng nợ leo thang ở châu Âu và kinh tế giảm tốc ở Mỹ đẩy sóng gió nổi lên trên thị trường tài chính quốc tế.
Trung Quốc và Nhật Bản hiện là hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ, do đó lời kêu gọi trên cho thấy rõ mức độ lo ngại gia tăng về ảnh hưởng lan rộng của các diễn biến tại Mỹ và châu Âu. Thị trường chứng khoán châu Á hôm nay đã lao dốc mạnh theo phiên đỏ lửa đêm qua ở Phố Wall, với mức giảm lên đến 5% đối với hầu hết các chỉ số chính. Ngay khi mở cửa giao dịch vào chiều nay theo giờ Việt Nam, thị trường chứng khoán châu Âu cũng rớt thẳng xuống mức đáy của 14 tháng.
Phát biểu tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng, các nhà hoạch định sách của thế giới cần đương đầu với tình trạng bóp méo tỷ giá các đồng tiền, cuộc khủng hoảng nợ công và những mối lo về nền kinh tế Mỹ.
“Tôi nhất trí với quan điểm cho rằng những vấn đề này cần được mang ra thảo luận. Mỗi vấn đề trong số này đều quan trọng, nhưng vấn đề nào cần ưu tiên là chuyện cần đem ra bàn bạc”, ông Noda phát biểu trước báo giới, chỉ một ngày sau khi Nhật can thiệp vào thị trường ngoại hối để hạ nhiệt tỷ giá đồng Yên.
Trong chuyến công du Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, những rủi ro nợ công của Mỹ đang leo thang và các nước cần tăng cường hợp tác để chống những rủi ro kinh tế toàn cầu. Ông Dương Khiết Trì cũng kêu gọi nước Mỹ áp dụng chính sách tiền tệ “có trách nhiệm” và bảo vệ khoản đầu tư của các quốc gia khác vào đồng USD.
Các nhà chức trách châu Âu cũng đang cuống cuồng lo ngại. Một tuyên bố phát đi từ văn phòng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết, ông Sarkozy sẽ có cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero về các diễn biến trên thị trường tài chính trong ngày hôm nay.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) do những bất đồng nội bộ đã không thể mua vào trái phiếu Italy và Tây Ban Nha để hỗ trợ thanh khoản cho hai nước này, cho dù lợi suất trái phiếu của hai nước này tăng vọt lên trên 6%, cao nhất kể từ khi đồng Euro ra đời. Điều này khiến các nhà đầu tư thất vọng nặng nề.
Giới quan sát dự báo, Italy và Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ ba và thứ tư của Eurozone, sẽ là những nước tiếp theo theo Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha rơi vào vòng xoáy khủng hoảng.
Thứ Ba tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ. Giới chuyên gia không kỳ vọng FED có thể đưa ra một chính sách mới nào để hỗ trợ cho tăng trưởng trong cuộc họp này. Trong khi đó, hãng nghiên cứu IHS Global Insight nhận định, khả năng kinh tế Mỹ lại rơi vào suy thoái giờ đã lên tới 40%.
Với tâm lý lo ngại cao độ, giới đầu tư toàn cầu đang ồ ạt bán tháo cổ phiếu và hàng hóa cơ bản, khiến thị trường tài chính như đang lặp lại những ngày trước khi cuộc khủng hoảng 2008 bùng nổ. Tính từ đầu tuần tới ngày hôm qua, khoảng 2,1 nghìn tỷ USD đã bị cuốn phăng khỏi chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường chứng khoán thế giới.
Khi các lựa chọn đầu tư ngày càng thu hẹp, các quỹ lớn đang quay sang nắm giữ tiền mặt, đưa quan điểm “tiền mặt là vua” lên hàng đầu. Ngân hàng Bank of New York Mellon Corp cho biết, khối lượng tiền gửi vào nhà băng này đang tăng vọt, buộc họ phải áp phí đối với những khách hàng lớn.
Hôm qua, Nhật Bản đã bán ra đồng Yên để ngăn đồng tiền này tăng giá và gây phương hại cho các nhà xuất khẩu trong nước. Tuy nhiên, sáng nay, tỷ giá đồng Yên lại tăng mạnh. Tương tự như đồng Franc Thụy Sỹ, đồng Yên đang được giới đầu tư toàn cầu xem là “vịnh tránh bão” trong bối cảnh có quá nhiều bất ổn như hiện nay.
Vàng cũng là một “hầm trú ẩn” ở thời điểm này, nhưng do giá vàng tăng quá mạnh, nhiều nhà đầu tư bắt đầu lưỡng lự khi mua vào. Thay vào đó, họ gom Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ.
Theo VnEconomy
|