Chỉ trong một tháng, các số liệu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã có sự thay đổi chóng mặt.
Theo tính toán từ số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, giải ngân vốn FDI trong tháng 7 đã đạt khoảng 1 tỷ USD, gần theo kịp tháng giải ngân cao nhất của năm nay, tính cho đến thời điểm này. Diễn biến này cũng phá vỡ xu hướng giảm vốn FDI giải ngân, là mối quan ngại của hai tháng trước đó.
Còn tính chung 7 tháng đầu năm 2011, giải ngân vốn FDI đã đạt 6,3 tỷ USD, chỉ còn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1,6% (tháng trước kém 1,9%). Cùng với nhập siêu thu hẹp trong 2 tháng nay, con số giải ngân vốn FDI tại tháng này cho thấy cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục được hỗ trợ.
Nhưng đột biến lại nằm ở con số vốn FDI đăng ký mới. Trong tháng 7, chỉ có thêm 49 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, thấp nhất trong khoảng 6 tháng gần đây, nhưng số vốn đăng ký mới đột ngột cộng thêm tới 3,23 tỷ USD, một con số gợi lại thời kỳ thu hút FDI "nóng bỏng" vài năm trước.
Tuy vậy, tổng số vốn đăng ký cho tới thời điểm này mới đạt khoảng 7,63 tỷ USD, vẫn giảm tới 27,8% so với cùng kỳ năm ngoài. Số dự án đăng ký mới là 504, giảm 33,9% so với cùng kỳ.
Phía vốn đăng ký tăng thêm, trong tháng có thêm 15 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đăng ký trong giai đoạn trước, nay đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 148 triệu USD. Dù có cải thiện hơn nhiều so với cách đây một tháng, nhưng mức thu hút này còn kém xa các tháng cuối quý 1 và đầu quý 2.
Tính gộp trong 7 tháng qua, đã có 147 dự án FDI đăng ký tăng vốn, trị giá gần 1,42 tỷ USD, giảm 45,8% về số dự án nhưng tăng 0,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng kinh doanh của khối doanh nghiệp FDI thể hiện qua các chỉ tiêu về kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn duy trì gam mầu sáng.
Kim ngạch xuất khẩu của khối này trong 7 tháng năm 2011, nếu kể cả dầu thô, ước đạt 27,82 tỷ USD, tăng tới 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không kể dầu thô thì đạt gần 23,7 tỷ USD, tăng tương ứng 32,8%.
Như vậy, tính cả kim ngạch xuất khẩu dầu thô, khối này xuất siêu khoảng 2,4 tỷ USD; không kể dầu thô thì nhập siêu 1,7 tỷ USD.
Đã có những dự án quy mô vốn lớn tạo nên thay đổi trên bảng tổng sắp. Theo ghi nhận từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng có thêm 1 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất điện, nước, điều hòa với vốn đăng ký trên 2 tỷ USD, đưa lĩnh vực này từ vị trí thứ 6 trong tháng trước lên trám vào thứ 2 trong tháng này.
Hồng Kông có thêm 3 dự án lớn đăng ký trong tháng, nhảy từ vị trí thứ 3 tại tháng trước lên đầu bảng trong danh sách các nền kinh tế đăng ký đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2011.
Theo VnEconomy
|