|
Mặc dù nước Mỹ đã chặn đứng được nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia, các nước châu Á vẫn lo canh cánh với dự trữ ngoại hối mà các tài sản USD chiếm phần lớn. Nếu Mỹ bị tuột xếp hạng AAA và giá trái phiếu kho bạc Mỹ lao dốc, dự trữ ngoại hối của các nước châu Á sẽ chịu bất lợi lớn.
“Đây là một mối lo của tất cả các nền kinh tế châu Á, nhưng là một mối lo không có lời giải”, ông Thio Chin Loo, chiến lược gia cao cấp thị trường tiền tệ của ngân hàng BNP Paribas, phát biểu trên CNBC.
Ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách tại các nước châu Á nhiều lúc đã nhận thức được vấn đề và tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại hối sang các tài sản ngoài USD, nhưng ông Thio cho rằng, sự đa dạng hóa này mới chỉ diễn ra ở phạm vi rất nhỏ hẹp.
Trên thực tế, nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc đã và đang mua vào USD để đảm bảo đồng nội tệ không lên giá quá nhanh so với một đồng USD đang trên đà suy yếu. Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tài sản USD do các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nắm giữ trong dự trữ ngoại hối tính đến quý 1/2011 đã tăng lên mức 1,47 nghìn tỷ USD, so với mức 1,4 nghìn tỷ USD vào cuối quý 4/2010.
Tuy nhiên, việc đa dạng hóa tài sản dự trữ ở các nước châu Á đang trở nên cấp bách hơn. Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) hôm 2/8 tuyên bố mua 25 tấn vàng trong tháng 6-7, đánh dấu đợt mua vàng đầu tiên của quốc gia này trong hơn 1 thập kỷ qua.
Nhưng theo ông Andy Xie, cựu chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Morgan Stanley và hiện là một chuyên gia kinh tế độc lập, động thái này của Hàn Quốc không có nhiều tác dụng, và các ngân hàng trung ương châu Á khác cần cân nhắc kỹ trước khi có hành động tương tự.
“Vàng không phải là một lựa chọn thay thế cho USD. Nếu người ta cứ mua vàng, giá sẽ tăng vọt, và như thế sẽ chẳng có hiệu quả gì”, ông Xie nói. Chuyên gia này cũng cho rằng, thị trường chẳng có đủ vàng để đáp ứng đủ cho phạm vi rộng lớn của việc đa dạng hóa dự trữ.
“Toàn bộ thị trường vàng chỉ có trị giá trên 1 nghìn tỷ USD, mà số tiền này chỉ bằng với lượng dự trữ ngoại hối mà các nền kinh tế mới nổi tích lũy được trong 1 năm”, ông Xie nói.
Thay vào đó, theo ông Xie, việc các nhà hoạch định chính sách châu Á cần làm là thả nổi đồng nội tệ. Ông dự báo, Trung Quốc rốt cục sẽ buộc phải thả nổi đồng Nhân dân tệ, xét đến những thách thức liên quan đến nợ nần hiện nay của nước Mỹ.
“Những gì đang diễn ra ở Mỹ sẽ buộc Trung Quốc phải làm gì đó trong 5 năm tới. Vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc phụ thuộc vào đồng USD, và mô hình xuất khẩu và đầu tư hiện nay của Trung Quốc đang dần lỗi thời”, ông Xie nói.
Theo ông Xie, Trung Quốc sẽ có những bước đi tương tự như những gì Đài Loan và Hàn Quốc đã làm. Hai nền kinh tế này đã thả nổi đồng tiền vào thập niên 1980 và sau đó cho phép chuyển đổi tiền tệ tự do cho các giao dịch thương mại trên tài khoản vãng lai, nhưng hạn chế chuyển đổi cho hoạt động đầu tư trên tài khoản vốn.
Theo VnEconomy
|