Khi nghe thấy rủi ro thì ngay lập tức nghĩ rằng phải làm thế nào để phòng và tránh rủi ro. Cách suy nghĩ này cần phải thay đổi theo hướng chủ động nhận biết và quản trị rủi ro cũng như chấp nhận rủi ro là điều tất yếu luôn đi song hành với hoạt động của doanh nghiệp. Đó là chia sẻ của bà Thái Thị Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn quản trị rủi ro của Công ty Deloitte Việt Nam với VietnamShipper về vấn đề quản trị rủi ro doanh nghiệp hiện nay.
1. Thưa bà, trong tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô như hiện nay (CPI tăng, lạm phát cao, lãi suất tiền vay tăng, ảnh hưởng từ chính sách siết chặt tiền tệ…) thì nguy cơ rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là gì?
Như một phần tất yếu, rủi ro luôn song hành với hoạt động của doanh nghiệp. Nói một cách khác, doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải chấp nhận rủi ro và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau thì rủi ro và mức độ rủi ro cũng khác nhau.
Tuy nhiên, với nền kinh tế có nhiều yếu tố bất ổn, thì rủi ro đối với các doanh nghiệp sẽ càng nhiều. Bên cạnh những rủi ro trong hoạt động thông thường, trong tình hình khó khăn, rủi ro sẽ tăng lên khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đưa ra các quyết định với sức ép về sự sống còn của doanh nghiệp, rủi ro do hoạt động của doanh nghiệp bị tác động và biến động không lường trước được bởi các yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của doanh nghiệp như lãi suất, tỷ giá. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể gặp thêm rủi ro về mặt luật pháp khi họ có thể sẽ không nghiêm ngặt trong việc tuân thủ pháp luật do áp lực tồn tại.
2. Là lãnh đạo của Công ty Deloitte Việt Nam – một trong những công ty tư vấn và kiểm toán hàng đầu tại Việt Nam, có thời gian hoạt động lâu năm và đã tham gia tư vấn quản trị rủi ro cho rất nhiều các doanh nghiệp, bà đánh giá như thế nào về mức độ đầu tư cho công tác quản trị rủi ro và kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Thực ra tất cả các doanh nghiệp đều đã thực hiện công tác quản trị rủi ro trong quá trình xây dựng các chính sách, qui trình, thủ tục để vận hành và quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thuật ngữ quản trị rủi ro vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ và các doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản trị rủi ro bài bản rất hiếm ở Việt Nam. Hiện tại, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn, một số ngân hàng và định chế tài chính đang triển khai hoạt động quản trị rủi ro một cách bài bản và tổng thể, số đông còn lại thì chưa thực hiện điều này.
3. Trên thực tế, ở Việt Nam vẫn còn một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác quản trị rủi ro, vậy theo bà nguyên nhân là do đâu? Và muốn thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro các doanh nghiệp cần làm gì?
Cái quan trọng nhất vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam chưa thay đổi cách nhìn nhận về quản trị rủi ro. Nó giống như một thói quen khi nghĩ rủi ro là điều không thể chấp nhận được và cần phải tránh, giảm thiểu hoặc thậm chí suy nghĩ rất tiêu cực là phải “triệt tiêu rủi ro” trong doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, trên thực tế lợi ích và rủi ro luôn song hành với nhau như chúng tôi thường ví von là “2 mặt của một đồng xu”, và bản thân mọi quyết định của doanh nghiệp cũng như từng qui trình tác nghiệp vận hành hoạt động của doanh nghiệp đều chứa đựng các yếu tố hình thành rủi ro trong đó. Vì vậy, quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ theo hướng chủ động nhận biết rủi ro của doanh nghiệp mình là gì, khả năng chấp nhận rủi ro tương ứng với lợi ích mong muốn, từ đó thiết kế, triển khai các biện pháp cần thiết để sẵn sàng đối phó khi rủi ro xảy ra và giảm thiểu thiệt hại do rủi ro mang lại.
4. Đã có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam thất bại trong công tác quản trị rủi ro, vậy các doanh nghiệp nên tránh những sai lầm nào trong quá trình thực hiện công tác này, thưa bà?
Theo quan điểm của tôi, có một số yếu tố cản trở doanh nghiệp thực hiện quản trị rủi ro thành công. Cụ thể như sau:
Thứ nhất là nhận thức và cách tiếp cận đối với quản trị rủi ro của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như đã trao đổi ở trên.
Thứ hai, rủi ro phát sinh từ quá trình vận hành và kinh doanh của các doanh nghiệp, vì vậy việc nhận biết sớm rủi ro phải được thực hiện bởi chính các đơn vị kinh doanh, từng bộ phận và cá nhân trong doanh nghiệp. Nếu coi việc đánh giá và phát hiện rủi ro là công việc của ban điều hành hay bộ phận kiểm toán nội bộ như nhiều doanh nghiệp hiện nay đang làm là quá trễ, vì thường khi đó rủi ro đã xảy ra rồi và việc còn lại chỉ là xử lý hậu quả. Trong quá trình tư vấn, chúng tôi thường tư vấn cho các doanh nghiệp một công cụ là phương pháp tự đánh giá và nhận biết rủi ro áp dụng cho tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp.
Thứ ba, con người cũng là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp rất cần quan tâm đến công tác đào tạo cho nhân viên về nhận biết rủi ro cũng như cần xây dựng được môi trường, thói quen chia sẻ thông tin trong doanh nghiệp. Bởi nếu cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp không có hiểu biết về rủi ro, không có thói quen nhận biết và chia sẻ rủi ro, thông tin về yếu tố và khả năng xảy ra rủi ro không được cung cấp hoặc thậm chí cố tình bị che giấu bởi người/ bộ phận trực tiếp thực hiện công việc thì rất khó để doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản trị rủi ro.
5. Thưa bà, các doanh nghiệp nên nhìn vào những dấu hiệu nào để nhận biết hệ thống quản trị rủi ro của mình có hiệu quả hay không?
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết. Ví dụ các tổn thất vô hình (danh tiếng, uy tín…), tổn thất về mặt tài chính thường xuyên xảy ra hoặc xảy ra với mức độ lớn. Khách hàng, đối tác phàn nàn về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp…
Khi các qui trình hoạt động hoặc công cụ quản lý của doanh nghiệp không hỗ trợ được cho hoạt động kinh doanh, gây khó khăn trong quá trình hoạt động, thì đó cũng là những dấu hiệu mà doanh nghiệp phải xem xét và đánh giá lại.
6. Về vấn đề quản trị rủi ro, lời khuyên của bà dành cho các doanh nghiệp Việt Nam lúc này là gì?
Sự đổi mới công nghệ, toàn cầu hóa, các quy định pháp luật phức tạp và trách nhiệm ngày càng tăng đối với các nhà quản lý cấp cao. Quản lý rủi ro ngày càng trở nên phức tạp với các rủi ro mới phát sinh từ hoạt động thương mại điện tử như vấn đề an ninh mạng hay bảo mật thông tin của khách hàng, nhu cầu hiểu biết về pháp luật, sự phát triển của thương mại và mức độ thâm nhập của công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.. chắc chắn sẽ tạo ra yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp là cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tích hợp và đầy đủ. Tôi tin rằng các nhà làm luật của Việt Nam cũng nhận biết được điều này, cho nên hệ thống pháp luật cũng sẽ thay đổi càng ngày càng chặt chẽ hơn.
Do đó, doanh nghiệp nên quan tâm đến công tác quản trị rủi ro ngay từ bây giờ, trước tiên là vì lợi ích của chính doanh nghiệp, sau nữa là đảm bảo doanh nghiệp sẵn sàng khi có các yêu cầu luật pháp được ban hành.
Nụ Phạm