|
Lễ ký kết hợp đồng liên doanh đầu tư khai thác hai bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (hay còn gọi là cảng Lạch Huyện) giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với các đối tác Nhật Bản đã diễn ra ngày 12/10, tại Hà Nội.
Cảng Lạch Huyện là dự án lớn đầu tiên được Chính phủ chỉ đạo áp dụng hình thức hợp tác đầu tư công-tư kết hợp.
Đây là hình thức đầu tư phổ biến tại nhiều quốc gia có thu nhập trung bình và thấp trên thế giới xuất phát từ nhu cầu chia sẻ chi phí đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời phát huy tối đa khả năng vận hành công trình, khả năng quản trị và sử dụng vốn có hiệu quả của nhà đầu tư doanh nghiệp.
Theo quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng sẽ đóng vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa chính giữa các tỉnh phía Bắc với các nước ở khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh thành, các khu công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Theo kết quả dự báo, khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển ở miền Bắc có thể lên tới trên 60 triệu tấn vào năm 2015 và xấp xỉ 100 triệu tấn vào năm 2020. Nhu cầu vận tải biển này vượt quá năng lực vận tải của các cảng biển hiện hữu.
Chính vì vậy, Lạch Huyện được quy hoạch để tháo gỡ nút thắt về lưu thông hàng hóa khu vực phía Bắc, đáp ứng sự gia tăng về nhu cầu vận chuyển container bằng các tàu có trọng tải lớn.
Sau hai bến khởi động với công suất thông qua 6 triệu tấn/năm dự kiến hoàn thành vào năm 2016, theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, khu bến cảng thương mại sẽ được xây dựng với quy mô 8 bến, năng lực thông qua 30 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo Vietnam+
|