Hiện hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển ngày càng nhiều, làm hạn chế diện tích kho bãi, đội thêm chi phí bảo quản hàng hóa, gây khó khăn cho các cảng trong việc xử lý hàng tồn, giảm sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển.
Vì sao chủ hàng... bỏ của?
Ông Ngô Trọng Phàn, Phó Tổng giám đốc TCT Tân Cảng Sài Gòn cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng trở lại đây đã có 51 container và 145 lô hàng nằm chờ thanh lý. Mỗi năm DN phải xử lý hàng tồn 2 lần. Trong 6 năm qua, cảng đã phải xử lý khoảng 682 container bao gồm 559 kiện hàng và 54 container lạnh vô chủ.
Với các loại hàng là sắt thép, máy móc, nếu chủ hàng chưa nhận thì có thể du di trong kho nhưng với những mặt hàng thực phẩm đông lạnh: hải sản, trái cây... Việc xử lý nan giải. Mới đây nhất, một container chứa kim chi của Hàn Quốc nằm lại cảng với chi phí vận hành bảo quản lô hàng này đội lên cao.
Tại cảng ICD Phước Long, qua kiểm tra, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4 đã phát hiện 6 container hàng tồn đọng tại cảng quá 9 tháng và 91 container (hàng gồm thịt và xương nhập khẩu) của CT Hiệp Quang để lại quá 30 ngày.
Tại cảng VICT, từ năm 2008 tới nay đã có 36 mã hàng đủ loại của Công ty TNHH TM Anh Trang (Hải Phòng) chứa trong container, với tổng trọng lượng lên tới 510 tấn nằm tại cảng, dù đã quá hạn lưu hàng tại cảng nhưng chủ hàng chưa chịu tới làm thủ tục thông quan.
Như vậy, số lượng hàng tồn đọng cảng biển tăng nhanh tỷ lệ thuận với sản lượng hàng hóa thông qua cảng. Việc chủ hàng từ chối nhận hàng có nhiều nguyên nhân như hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đúng chủng loại mẫu mã, thời gian làm thủ tục dài, chi phí tăng cao không còn hiệu quả...
Họ còn vin vào những sai sót nhỏ, hay bị cơ quan chức năng phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm để từ chối nhận hàng. Các cảng giữ hàng nhưng không hề “nắm đằng chuôi” bởi chi phí bán hàng chỉ bù đắp được một phần chi phí lưu bãi, nâng hạ, tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng, gây thiệt hại lớn cho cả cảng và hãng tàu cũng như nền kinh tế nói chung.
Cần chế tài mạnh
Hiện nay việc, phân loại xử lý hàng tồn, vẫn chưa được quy định cụ thể. Mỗi cảng xử lý theo cách riêng, thiếu nhất quán. Trong khi đo, quy trình xử lý hàng tồn rất phức tạp.
Quy định yêu cầu có văn bản từ bỏ hàng hóa của chủ hàng và đề nghị thanh lý của hãng tàu cùng các bên có trách nhiệm. Hải quan tại các cảng biển phải rà soát các container này có vi phạm thủ tục hải quan hay không. Khi có đầy đủ cơ sở khẳng định lô hàng có thể thanh lý, cảng lại phải đề nghị Sở Tài chính thành lập ban đấu giá. Phức tạp hơn là các cảng phải mở container kiểm đếm, phân loại hàng hóa, thời hạn sử dụng, xuất xứ. Chỉ riêng công đoạn kiểm tra, giám định đã mất khá nhiều thời gian, đó là chưa kể chờ quyết định thanh lý của các ban ngành...
Sai phạm của CT TNHH TM Anh Trang (Hải Phòng) tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 là một ví dụ. Lô hàng 9 container 20 feet thép phế liệu của Công ty này có 1 container là hàng vi phạm trị giá hơn 174 triệu đồng, bị phạt 20 triệu đồng và phải đưa toàn bộ số hàng này ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thế nhưng, Công ty này không chấp hành quyết định xử phạt trên với lý do “việc tái xuất 1 container quá ít và không thể thực hiện được”. Mặc dù Cục Hải quan TP.HCM đã 2 lần ban hành quyết định về việc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm và quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với lô hàng đó. Nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết xong và lô hàng này vẫn chình ình tại bãi ICD Phước Long.
Trước thực trạng trên, đại diện các cảng biển đề nghị, chỉ cần sau 3 lần thông báo cho hãng tàu đến nhận, thời gian với mặt hàng bách hóa là 60 ngày và 30 ngày với hàng đông lạnh, chất độc hại... thì nên quy là hàng tồn đọng tại cảng biển chứ không cần phải chờ có văn bản bỏ hàng của các chủ hàng. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương có những quy định cụ thể đối với từng loại mặt hàng và quy định rõ ràng với người vận chuyển.
Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP chia sẻ: “Hiện nay quy định xử lý hàng tồn tại các cảng còn chưa chặt nên một số doanh nghiệp tìm cách lách luật. Hơn nữa, phí lưu kho bãi ở các cảng hiện thấp hơn nhiều so với phí gửi hàng bên ngoài nên nhiều doanh nghiệp (không có kho chứa hàng) đã cứ để hàng... tại cảng. Do đó, việc nâng giá lưu kho trong cảng cần được tính đến.
Cũng theo ông Chung, cần rút ngắn thời gian lưu hàng, thay vì 1 tháng thì giảm xuống 2 tuần. Sau 2 lần thông báo mà chủ hàng không tới làm thủ tục nhận hàng thì có quyền thanh lý ngay. Với những mặt hàng bỏ lại cảng có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải có những quy định, chế tài xử phạt mạnh và cụ thể.
Theo GTVT