|
Theo Chủ tịch Hội đồng ổn định tài chính Mark Carney, căng thẳng tại Eurozone đã tạo ra những bất ổn tài chính và sẽ kéo tăng trưởng toàn cầu đi xuống.
Ông Mark Carney, tân Chủ tịch của Hội đồng ổn định tài chính, hiệp hội quốc tế của những nhà quản lý, đồng thời là Thống đốc Ngân hàng trung ương Canada cho biết: Thanh khoản toàn cầu sụt giảm kéo theo sự gia tăng các mối bất ổn toàn cầu và làm giảm các hoạt động kinh tế, tài chính.
Bộ trưởng tài chính Brazil, ông Guido Mantega đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách kinh tế của Mỹ và Châu Âu vì cho rằng những quyết sách này là một phần nguyên nhân khiến dòng vốn quốc tế mất ổn định.
Ông cũng cho biết điều này sẽ tác động trước nhất đến các nền kinh tế mới nổi và kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình chung.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Stuart Gulliver của Ngân hàng HSBC cảnh báo khủng hoảng tín dụng châu Á khi dòng tín dụng, đặc biệt là từ các ngân hàng châu Âu vào khu vực đang có dấu hiệu giảm mạnh.
Nhiều nước châu Á phụ thuộc vào các ngân hàng nước ngoài khiến nguy cơ khủng hoảng tín dụng gia tăng khi các ngân hàng này thiếu tiền mặt, ngừng cung cấp hoặc tăng giá các khoản cho vay. Đặc biệt là trong trường hợp khủng hoảng châu Âu vượt quá tầm kiểm soát.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết, hệ thống ngân hàng hàng châu Âu cung cấp 21% trong tổng số khoản vay 2.520 tỷ USD dành cho các nước châu Á trong quý 2, ngoại trừ Nhật Bản.
Trong đó, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông là những nước đi vay từ nguồn này nhiều nhất.
Thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu đang lặp lại giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đó, các nền kinh tế có thu nhập trung bình đã bị tác động tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng ở các quốc gia giàu có.
Giá cổ phiếu thị trường mới nổi đã giảm mạnh kể từ mùa hè sau khi cuộc khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro diễn biến phức tạp hơn. Một số đồng tiền của các nước này như đồng real Brazil đã giảm so với đồng USD.
Ông Carney nói rằng Mỹ và các nhà hoạch định chính sách châu Á cần sẵn sàng để giảm thiểu những tác động thông qua việc thực hiện những hợp đồng hoán đổi USD và nới lỏng chính sách tiền tệ. "Bây giờ có thể là thời gian cho châu Á hút ngoại hối vào dự trữ chính thức để bù đắp tính thanh khoản", ông Carney cho biết.
Theo infotv
|