|
Phát hành 225.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các dự án quan trọng, cấp bách. Phấn đấu đến năm 2015 thu nhập dân cư gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2010
Sáng 8-11, Quốc hội (QH) đã nhất trí thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Kiềm chế lạm phát ở mức 5% - 7%
Mục tiêu cơ bản đặt ra cho cả giai đoạn này là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh.
Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Một số chỉ tiêu quan trọng của giai đoạn này là tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,5% - 7%, lạm phát ở mức 5% - 7%. Phấn đấu đưa tỉ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị xuống mức dưới 4%, thu nhập dân cư đến năm 2015 gấp 2 - 2,5 lần so với năm 2010.
Đối với chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ năm 2011-2015, các đại biểu (ĐB) QH nhất trí với đề xuất phát hành 225.000 tỉ đồng trái phiếu để tiếp tục đầu tư cho các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… quan trọng, cấp bách.
Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là Chính phủ phải có báo cáo cụ thể về hiệu quả của các dự án được đầu tư từ trái phiếu Chính phủ, đồng thời phải có cơ chế xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí, thất thoát.
Lúc theo thị trường, lúc can thiệp sâu
Thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Giá, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) cho rằng cơ chế điều hành giá hiện nay mang tính chất thái quá, lúc theo thị trường, lúc can thiệp quá sâu. Do đó, cơ quan quản lý bất lực trước hiện tượng tăng giá sữa, giá thuốc…
ĐB Hòa cho rằng có loại hàng hóa quyết định giá theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp khi có biến động bất thường nhưng đối với mặt hàng quan trọng như thuốc chữa bệnh, Nhà nước phải can thiệp ngay từ đầu
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) “phê” dự thảo Luật Giá đi nhầm định hướng nên nội dung chưa đúng, chưa trúng. Lấy dẫn chứng từ hiện tượng giá thuốc, ĐB Trần Du Lịch chỉ rõ: Giá cả 90% mặt hàng thuốc thông thường bình ổn, chỉ 10% thuốc đặc trị “loạn” giá cũng gây bất ổn đến xã hội. Nguyên nhân do doanh nghiệp phân phối trong nước liên kết với nhà sản xuất lũng đoạn thị trường. Như vậy cần có cơ chế xử lý lũng đoạn mới kiểm soát được giá.
Giáo dục pháp luật từ mầm non?
Với dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được thảo luận ở tổ vào ngày 8-11, nhiều ĐBQH đánh giá tính khả thi chưa cao. ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) nhận định “chưa có nước nào trên thế giới cần ban hành luật riêng về phổ biến, giáo dục pháp luật nhưng đối với Việt Nam là cần thiết để người dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, tiến tới cuộc sống văn minh”.
Riêng nội dung đưa chương trình giáo dục pháp luật vào cấp học mầm non nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cùng ở đoàn ĐBQH TPHCM, ĐB Nguyễn Văn Hưng cho rằng việc này không hiệu quả, không phù hợp với trình độ của trẻ mầm non.
ĐB Lộc quay sang thuyết phục ĐB Hưng: Chính các cháu mầm non là đối tượng phản ứng tốt nhất với hành vi vi phạm của người lớn nếu thấy bố mẹ làm sai so với những gì được cô dạy ở trường. Hơn nữa, giáo dục từ cấp học này, 10 năm sau mới có thể “đón” những công dân gương mẫu.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng), hình thức giáo dục tốt nhất là phạt, đánh vào kinh tế và nên bắt đầu từ nhà trường, đừng để bắt vào trại giam rồi mới tính việc giáo dục. Do đó, bên cạnh việc tìm “kênh” chuyển tải, cần chú ý tăng cường chế tài xử phạt.
Tái cơ cấu không làm đảo lộn kinh tế - xã hội
Trả lời câu hỏi của báo giới bên hành lang QH về vấn đề tái cơ cấu kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết QH đã giao Chính phủ xây dựng đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế. Công tác chuẩn bị đề án này sẽ kéo dài tới kỳ họp thứ 3 của QH khóa XIII (diễn ra khoảng cuối tháng 5-2012).
Trong đó, tái cơ cấu kinh tế dự kiến tập trung vào 3 khu vực: Đầu tư, tài chính (trọng tâm là hệ thống ngân hàng, các định chế tài chính) và doanh nghiệp (chủ thể chính là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước).
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao và sự cân nhắc rất kỹ từ các cơ quan Chính phủ. Để thực hiện tái cơ cấu kinh tế, phải có bước đi, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm không tạo ra sự thay đổi hay làm đảo lộn tiến trình chúng ta đang triển khai.
P.Anh |
Theo NLD
|