|
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang phải chịu cảnh một cổ hai tròng, một mặt bị thu hẹp thị trường bên ngoài, rủi ro mất đơn hàng, một mặt nguồn vốn vay bị hạn chế, do lãi suất cao.
Những vấn đề về vốn và thị trường cho DN Việt xuất khẩu trong khi kinh tế toàn cầu khủng hoảng và chính sách tiền tệ trong nước thắt chặt đã được thảo luận sôi nổi tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2012: dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu” do Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công thương vừa tổ chức.
Thị trường đi xuống?
Theo ông Nguyễn Minh Phong - Viện ngiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, cho đến thời điểm này, tất cả những thông số và dự báo đều cho thấy một năm 2012 đầy u ám khi các khu vực lớn như Châu Âu, Mỹ và các Nhật Bản đều đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đây cũng chính là những thị trường lớn của Việt Nam.
Có cùng quan điểm này, ông Hà Huy Tuấn cung cho rằng, trên bình diện thế giới, các khó khăn kinh tế đang lan rộng, kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy giảm trong khi đó các biện pháp hỗ trợ nhất là các công cụ chính sách (tài chính, tiền tệ) bị hạn chế.
Dẫn chứng về điều này, ông Tuấn cho biết, theo WB, dòng vốn đổ vào các nước phát triển đang suy giảm, trong tháng 7 - 8 đã suy giảm đến 20%, tăng trưởng thương mại giảm trên toàn cầu và những phân tích cho thấy những kỳ vọng về phục hồi kinh tế đang suy giảm khiến cho những dự đoán về một đợt suy thới mới đang được đặt ra.
Và nếu điều này xảy ra thì sẽ lặp lại tình trạng như năm 2008, thậm chí còn khó khăn hơn khi các nước, thị trường lớn đều chính sách đều đã bị hạn chế do cơn bão nợ công đang càn quét. Để chống đỡ các nước sẽ buộc phải thực thi chính sách thắt chặt và tác động trực tiếp đến xuất khẩu của các DN.
Trong khi đó, theo ông Phong, cũng nhắc lại nguy cơ lớn đối với xuất khẩu là tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo đó, có nhiều khó khăn và thách thức thị trường có thể lớn hơn và khó lường hơn so với dự báo...
IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống còn 4% cho năm 2011 và 2012, thấp hơn 0,3% so với dự báo đưa ra vào tháng 6. Nhưng đó vẫn là con số lạc quan so với báo cáo của Citigroup khi cho rằng tăng trưởng GDP thế giới sẽ giảm xuống 3% trong năm nay và 2,9% trong năm 2012.
Đối với các nền kinh tế lớn, Goldman Sachs dự báo có mức tăng trưởng của các nền kinh tế chủ chốt cũng được dự báo giảm. Trong đó, kinh tế Mỹ năm 2012 sẽ tăng trưởng có 1,4% so với 1,7% trong năm nay. Còn chây Âu thì được cho chỉ ở mức 0,1%...
Ông Phong nói, với các diễn biến trên thế giới hiện nay thì đều cho thấy một triển vọng kinh tế kém tích cực trong năm 2011. Để đối phó với điều đó, các nước sẽ phải thi hành những chính sách chặt chẽ và điều này sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu vào thị trường này. Một biểu hiện dễ thấy là các nước sẽ nảy sinh xu hướng hạn chế nhập khẩu, ưu đãi trong nước thông qua các chính sách bảo hộ và các hàng rào kỹ thuật được phép.
Ông Phong cũng lưu ý, nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới tiếp tục xu hướng yếu và yếu hơn, kể cả USD, Euro; khả năng đồng Nhân dân tệ, Yên Nhật và Rúp Nga sẽ tăng giá chậm... Dưới góc độ nào đó nó sẽ làm cho xuất khẩu bị ảnh hưởng về lợi nhuận, giảm tính hấp dẫn.
Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, thị trường xuất khẩu sẽ có nhiều biến động: CP các nước EU không thể in thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng, đời sống người dân EU sút giảm thì chắc chắn cầu sẽ giảm sút, chưa kể tác động gián tiếp: xuất khẩu giảm, họ không có nhu cầu nhập hàng từ các nước khác.
Khó trăm đường
Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội giãi bày: "Chúng tôi đã thực sự ngấm đòn của thời buổi kinh tế khó khăn. Các đơn hàng ở thị trường châu Âu sụt giảm nghiêm trọng tới 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2010, việc ký các đơn hàng mới cho đầu năm 2012 giờ vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng. Tình hình này khiến công ty rất khó xác định được kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hơi trong thời gian tới."
Trong khi đó, do chính sách thắt chặt tín dụng, các doanh nghiệp cần vay vốn để duy trì hoạt động cũng không dễ dàng. Cũng theo vị Giám đốc này phân tích, với mức lãi suất cho vay 17,5-18% như của Ngân hàng Vietcombank công bố, tức theo đúng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, chỉ có những doanh nghiệp có uy tín, lớn mới vay được nhiều. Những doanh nghiệp nhỏ, lợi nhuận thấp chắc chắn bị đứng ngoài rìa.
"Chúng tôi cũng biết Chính phủ có nhiều khó khăn vì vậy, chỉ mong lãi suất sớm giảm để doanh nghiệp tồn tại được", ông Việt chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng SeaBank cũng cho rằng, trong thời điểm nhiều DN khát vốn, các ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi đưa ra đúng thời điểm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất thấp. Điều đó, không chỉ có lợi cho DN mà còn có lợi cho cả ngân hàng.
Tình trạng bị giảm đơn hàng cũng đang diễn ra với ngành dệt may, là chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đô, Tổng Giám đốc Công ty TNHH may DHA cho biết, hiện đơn hàng đang ít đi rồi. Năm 2012, cty lo lắng nhất là những trường hợp rủi ro không lường trước có thể xảy ra. Năm 2008, công ty đã từng trải qua 2 tháng "trắng" đơn hàng.
Nhớ lại bài học đó, ông Đô đúc kết: "Cho đến nay, công ty vẫn đang có đủ đơn hàng cho quí I năm 2012. Tuy nhiên, dù đơn hàng có thể đã ký, nhưng vì một lý do bất trắc nào đó, đối tác hủy đơn hàng thì lúc đó sẽ "khủng khiếp" lắm, doanh nghiệp bỗng dưng mất thu nhập."
Theo quan điểm của doanh nghiệp dệt may này, để ứng phó với khó khăn, đầu tiên vẫn phải duy trì việc gia công hàng cho đối tác ở Mỹ, EU, giữ chân khách hàng cũ là tối quan trọng. Dù đã tăng lương, tăng phí bảo hiểm xã hội tới 2 lần, tăng 10-15% giá thành sản phẩm nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận giảm lợi nhuận, chứ không thể tăng giá đơn hàng.
Mặt khác, công ty này tiếp tục phát triển thị trường nội địa và về lâu dài, phải tính hướng tới sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn, làm hàng trực tiếp xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này không hề dễ vì để đi theo hướng này, sẽ phải đầu tư khá nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại... Đặc biệt, khi lãi suất đang nhảy lên cao, doanh nghiệp phải hạn chế tối đa việc vay vốn.
"Trong lúc đồng vốn đang rất eo hẹp, chúng tôi không dám mạo hiểm đầu tư như vậy mà chỉ dám đưa vào kế hoạch dài hơi sau này", ông Đô nói.
Nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, mức lãi suất cho vay có thể chịu đựng được vào khoảng 12%. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đề nghị lãi suất vay ngoại tệ đề nghị giảm bình quân 7- 8% xuống 6%.
Trước nhiều khó khăn trên, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích, thị trường xuất khẩu sẽ có nhiều biến động. Chính phủ các nước EU không thể in thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng, đời sống người dân EU sụt giảm thì chắc chắn cầu sẽ giảm sút, chưa kể tác động gián tiếp là xuất khẩu giảm. Trong khi đó, xuất khẩu thường xuyên chiếm 70-80% GDP.
Ông Khánh chia sẻ, nhiều ý kiến đã nêu nên tiếp tục duy trì tiền tệ thắt chặt hay là thay đổi để đối phó bất ổn mới từ bên ngoài. Tuy nhiên, vấn đề là cần sự linh hoạt lớn trong chính sách này, chuẩn bị tâm thái sẵn sàng cho mọi sự trên nền tảng chung ổn định vĩ mô.
Ông Khánh cũng trấn an, không nên quá lo ngại về xuất khẩu vì từ trước tới nay, tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu như gạo, ... là lớn. Do đó, dù các nước có khó khăn tới mấy cũng phải nhập.
Vì vậy, ông Khánh dự báo có thể giá sẽ không tăng và giảm, nhưng ảnh hưởng tới xuất khẩu sẽ không lớn. Lúc này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu cso tầm nhìn tốt thì đây chính là thời điểm đẹp để tăng trưởng thị trường khi các đối thủ nước ngoài xuất khẩu cũng đang gặp khó.
Theo Infotv
|