|
Theo đánh giá của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam, trong niên vụ vừa qua, thời tiết khí hậu biến đổi bất thường, vườn cà phê quá tuổi ngày một tăng, làm cho chi phí ngày một tăng, nhưng là một năm đầy thuận lợi của nông sản thế giới nói chung và cà phê nói riêng, khi giá cà phê robusta, có thời điểm đạt trên 2.600USD/tấn, mức giá cao nhất trong vòng 13 năm qua.
Với những nỗ lực của người trồng cà phê và hoạt động tích cực của các nhà doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, cà phê Việt Nam đã duy trì được diện tích trên dưới 530.000ha, sản lượng gần 1,3 triệu tấn, trong đó xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn.
Kết thúc niên vụ 2010 - 2011, cả nước xuất khẩu được trên 1,2 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 56% so với niên vụ trước. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu trên 80 quốc gia vùng lãnh thổ trong đó các thị trường truyền thống đã nhập một số lượng đáng kể như: Hoa Kỳ, Đức, Bỉ... Trong thời gian này, đáng chú ý là Trung Quốc đứng thứ 10 trong số nước nhập khẩu cà phê Việt Nam. Các thị trường mới nổi đáng chú ý là: Nga, Malaysia, Algieri... Niên vụ vừa qua có gần 160 doanh nghiệp tham gia thu mua xuất khẩu cà phê, trong đó có 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đã chiếm thị phần càng tăng gần 40% tổng cà phê xuất khẩu cả nước.
Về giá cả, theo nhận định của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam, giá cà phê trên thế giới từ khoảng cuối năm 2008 đến những tháng đầu năm 2010 có xu hướng tăng giảm thất thường nhưng từ đầu vụ 2010 - 2011, giá cà phê trên thế giới có xu hướng tăng mạnh nên đã góp phần làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu của cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam trong niên vụ vừa qua đều gặp khó khăn về vốn và lãi suất cũng như thời gian và điều kiện cho vay nên không đủ vốn để thu mua cà phê nguyên liệu, dẫn đến không sử dụng hết công suất của kho hàng và hệ thống chế biến, lãng phí rất lớn hệ thống máy móc, thiết bị kho hàng đã đầu tư.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam cho biết: “Cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện cơ chế chính sách cho ngành cà phê. Do vậy việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu chưa gắn kết với việc tiêu thụ sản phẩm, thiếu sự hỗ trợ thúc đẩy phát triển lẫn nhau. Liên kết giữa bốn nhà vẫn còn yếu, thiếu lòng tin nên không tạo thành thế mạnh. Thể hiện lớn nhất là doanh nghiệp chưa thật sự đầu tư trực tiếp cho nông dân, chỉ chú trọng kinh doanh xuất khẩu”.
Dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2011 - 2012 chỉ khoảng 1,1 triệu tấn do từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều mưa bão khiến quả rụng sớm và việc phơi sấy gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, diện tích cà phê quá tuổi sẽ tăng thêm vì vậy nguồn cung sẽ khan hiếm vào cuối năm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đang có kế hoạch thu mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê để chuẩn bị cho xuất khẩu.
Theo đề nghị của Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan tổ chức cuộc họp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê với các ngân hàng huy động vốn thu mua cà phê để xuất khẩu và tạm trữ ngay từ đầu vụ. Một đặc điểm dự báo khó khăn cho niên vụ này là cà phê tồn kho chuyển cho vụ mới hầu như không còn. Tình trạng khan hiếm cà phê xuất khẩu dự báo sẽ căng thẳng.
Trong niên vụ mới, Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam sẽ nhanh chóng triển khai hoạt động Quỹ Bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cà phê đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả. Hiệp hội cũng sẽ ký kết thỏa thuận với các ngân hàng lớn để cung cấp đủ nguồn vốn cho thu mua, tạm trữ và xuất khẩu 1,1 triệu tấn cà phê. Ngoài ra, hàng loạt các hoạt động cho xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới sang các nước châu Á, ASEAN, Trung Đông cũng được triển khai... Mặc dù dự báo sẽ gặp khó khăn nhưng hy vọng với quyết tâm của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ ngành, xuất khẩu cà phê trong niên vụ tới sẽ diễn biến thuận lợi.
Theo Infotv
|