|
Phó
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế
xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) Noeleen Heyzer đã nhấn mạnh khủng
hoảng kinh tế toàn cầu mở ra một cơ hội để các nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
bền vững và phổ quát hơn.
Phát biểu trên được đưa ra tại Hội thảo toàn cầu về “Tăng trưởng kinh tế và bảo
vệ xã hội ở châu Á: Những bài học cần được trao đổi giữa châu Á và thế giới” được
tổ chức tại thành phố Salzburg của Áo, ngày 15/11.
Bà Heyzer cho rằng khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm nổi bật nhu cầu khẩn cấp đối
với khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải thu hẹp khoảng cách phát triển hiện
đang giãn rộng giữa các nước và ngay trong mỗi nước.
Châu Á và thế giới cần chia sẻ kinh nghiệm phát triển các hệ thống bảo vệ xã hội
hiệu quả, trong đó tăng trưởng kinh tế và bảo vệ xã hội được tiếp cận như là một
thể thống nhất trong chương trình nghị sự phát triển cố kết và chính thống.
Bà Heyzer nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở châu Á-Thái Bình Dương
làm giảm nhanh số người sống cùng khổ từ 1,6 tỷ người năm 1990 xuống 0,9 tỷ người
năm 2008, nhưng bất chấp các thành quả phát triển, đa số phụ nữ vẫn phụ thuộc
vào những việc làm nhất thời và dễ bị tổn thương; 1,8 tỷ người châu Á vẫn chưa
được tiếp cận những điều kiện vệ sinh thích hợp.
Châu Á-Thái Bình Dương vẫn có tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh cao không
thể chấp nhận. Vì vậy, khu vực này cần phải tư duy lại mô hình phát triển và định
hướng lại các chính sách phát triển quốc gia hướng tới tăng trưởng kinh tế cân
bằng và phổ quát hơn với trọng tâm là tăng cường bảo vệ xã hội. Bao quát xã hội
và thu hẹp khoảng cách phát triển phải trở thành động lực mới thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế.
Cũng theo bà Heyzer, thiết lập các hệ thống bảo vệ xã hội mạnh hơn và hiệu lực
hơn cần được coi là đầu tư vào tăng trưởng vì nhờ đó nhiều người nghèo thoát
nghèo và không còn dễ bị tổn thương, mở ra cho họ cơ hội và sự tự tin.
Đây là nhân tố có ý nghĩa sống còn đối với một khu vực đang phải đối mặt với những
khoảng cách phát triển cũng như bất bình đẳng kinh tế xã hội không ngừng giãn rộng
và đa dạng. Nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai của khu vực cần được
tăng cường bởi sự bình đẳng và tính phổ quát trong phát triển./.
Theo Vietnamplus
|