Sau hai ngày làm việc, chiều 13.11 (giờ địa phương), Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19 đã chính thức bế mạc tại khu khách sạn Marios Ihilini của thành phố Honolulu.
Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Honolulu - hướng tới một nền kinh tế khu vực gắn kết” và 4 văn kiện kèm theo về “Thúc đẩy chính sách sáng tạo hiệu quả, không phân biệt đối xử và theo hướng thị trường”, “Tăng cường tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, “Thương mại và đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường” và “Đẩy mạnh thực hiện các điển hình tốt về quản lý”.
Tuyên bố chung và các văn kiện tiếp tục khẳng định mong muốn và quyết tâm của các thành viên APEC cùng nhau hợp tác nhằm xây dựng một nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gắn kết hơn. Hội nghị cấp cao APEC 20 sẽ được tổ chức tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga, tháng 9.2012. Trước đó, lễ khai mạc chính thức Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19 đã diễn ra sáng cùng ngày tại thành phố Honolulu, thủ phủ bang Hawaii (Mỹ).
Tham dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham dự hội nghị.
Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo cùng Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Christine Lagarde đã họp phiên họp kín thứ nhất về “Tăng trưởng và việc làm”. Các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá của IMF về những thách thức đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh nguy cơ tăng trưởng suy giảm, tình trạng thất nghiệp cao tại các nền kinh tế phát triển và lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển. Chiều cùng ngày, Hội nghị cấp cao APEC tiếp tục diễn ra với phiên họp kín thứ hai về “Sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng”.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang là một trong những lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC được mời phát biểu đầu tiên tại hội nghị. Chủ tịch Nước đánh giá cao những kết quả của APEC về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục quyết tâm đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Nước nhấn mạnh Việt Nam luôn nỗ lực cùng APEC đẩy mạnh tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư.
Chủ tịch Nước đề nghị APEC cần đóng góp tích cực để tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, cải cách tài chính quốc tế, củng cố hệ thống thương mại đa phương và đặc biệt cần nỗ lực quyết liệt để sớm kết thúc vòng đàm phán Đôha với kết quả cân bằng vì mục tiêu phát triển. Chủ tịch Nước nêu rõ với tiềm lực to lớn của mình, APEC cần ưu tiên các chương trình hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và tăng cường kết nối nội khối, đặc biệt là các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN và kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN cũng như hợp tác tiểu vùng Mêkông.
Cũng trong ngày 13.11, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã cùng các nhà lãnh đạo APEC tham dự cuộc đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC.
Hội nghị cấp cao APEC 19 đã khép lại một năm hợp tác hiệu quả, thiết thực và hết sức sôi động của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.
Chiều 13.11, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ phủ Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), kết thúc tốt đẹp các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao APEC 19.
Theo ND
Sau hai ngày làm việc, chiều 13.11 (giờ địa phương), Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 19 đã chính thức bế mạc tại khu khách sạn Marios Ihilini của thành phố Honolulu.
Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Honolulu - hướng tới một nền kinh tế khu vực gắn kết” và 4 văn kiện kèm theo về “Thúc đẩy chính sách sáng tạo hiệu quả, không phân biệt đối xử và theo hướng thị trường”, “Tăng cường tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi sản xuất toàn cầu”, “Thương mại và đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ môi trường” và “Đẩy mạnh thực hiện các điển hình tốt về quản lý”.
Tuyên bố chung và các văn kiện tiếp tục khẳng định mong muốn và quyết tâm của các thành viên APEC cùng nhau hợp tác nhằm xây dựng một nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ngày càng gắn kết hơn. Hội nghị cấp cao APEC 20 sẽ được tổ chức tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga, tháng 9.2012. Trước đó, lễ khai mạc chính thức Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 19 đã diễn ra sáng cùng ngày tại thành phố Honolulu, thủ phủ bang Hawaii (Mỹ).
Tham dự hội nghị có lãnh đạo cấp cao của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đã tham dự hội nghị.
Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo cùng Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - bà Christine Lagarde đã họp phiên họp kín thứ nhất về “Tăng trưởng và việc làm”. Các nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá của IMF về những thách thức đối với nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhấn mạnh nguy cơ tăng trưởng suy giảm, tình trạng thất nghiệp cao tại các nền kinh tế phát triển và lạm phát tại các nền kinh tế đang phát triển. Chiều cùng ngày, Hội nghị cấp cao APEC tiếp tục diễn ra với phiên họp kín thứ hai về “Sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng”.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang là một trong những lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC được mời phát biểu đầu tiên tại hội nghị. Chủ tịch Nước đánh giá cao những kết quả của APEC về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục quyết tâm đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện và đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Chủ tịch Nước nhấn mạnh Việt Nam luôn nỗ lực cùng APEC đẩy mạnh tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư.
Chủ tịch Nước đề nghị APEC cần đóng góp tích cực để tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, cải cách tài chính quốc tế, củng cố hệ thống thương mại đa phương và đặc biệt cần nỗ lực quyết liệt để sớm kết thúc vòng đàm phán Đôha với kết quả cân bằng vì mục tiêu phát triển. Chủ tịch Nước nêu rõ với tiềm lực to lớn của mình, APEC cần ưu tiên các chương trình hợp tác nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo và tăng cường kết nối nội khối, đặc biệt là các nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN và kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN cũng như hợp tác tiểu vùng Mêkông.
Cũng trong ngày 13.11, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã cùng các nhà lãnh đạo APEC tham dự cuộc đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC.
Hội nghị cấp cao APEC 19 đã khép lại một năm hợp tác hiệu quả, thiết thực và hết sức sôi động của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.
Chiều 13.11, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ phủ Honolulu, bang Hawaii (Mỹ), kết thúc tốt đẹp các hoạt động tham dự Hội nghị cấp cao APEC 19.
Theo NLD