Việt Nam và một số nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương cần thay đổi mô hình tăng trưởng để tránh gặp phải những hệ lụy không đáng có. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia hàng đầu thế giới tại Hội thảo "APEC: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới" diễn ra vừa qua tại Hà Nội.
Diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia APEC, Hội thảo đã thu hút 100 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các nền kinh tế thành viên APEC và nhiều đại biểu đến từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học... của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, giống như một số nền kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khác, Việt Nam đang vướng phải những hệ lụy từ mô hình tăng trưởng cũ như chất lượng giáo dục, đào tạo thấp; hiệu quả sử dụng, kiểm soát nguồn vốn kém; những cải cách về tài khóa, tài chính chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, năng lực đối phó với thiên tai, quản lý rủi ro và giảm tối thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra chưa cao...
Sự thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam cần phải diễn ra một cách kịp thời, có định hướng và lộ trình dài hạn. Ngay cả đến Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng phải trải qua 20 năm giảm phát với tỷ lệ tăng trưởng rất thấp, chỉ khoảng 0,8%/năm. Ông Akio Hosono, Viện Nghiên cứu JICA (Nhật Bản) đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản với Việt Nam: năm 2013, Nhật Bản đã đưa ra Chiến lược tái khởi động nhắm theo 3 mũi tên. Theo đó, Nhật Bản cần thoát khỏi giảm phát, đạt được mục tiêu lạm phát ở mức 2% trong khoảng thời gian hai năm; điều chỉnh các chính sách tài khóa linh hoạt tập trung vào những lĩnh vực có đóng góp cho tăng trưởng bền vững; tập trung thúc đẩy đầu tư tư nhân nhằm đưa nền kinh tế trở lại với tăng trưởng, gia tăng năng suất thông qua đầu tư và chia sẻ lợi ích một cách rộng rãi trong nền kinh tế thông qua việc làm và thu nhập.
Đại diện đến từ Trung tâm Phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra phân tích, xu hướng tăng trưởng mới của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á là đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng xanh, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng vì người nghèo. Gần đây, việc chú trọng đầu tư phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó khu vực tư nhân cũng được các quốc gia này chú trọng. Đưa ra khuyến nghị với Việt Nam, ngoài các vấn đề cũ như chất lượng giáo dục, quản lý kinh tế ví mô, ông Kensuke Tanaka đặc biệt lo lắng về bẫy thu nhập trung bình.
Chia sẻ về những nỗ lực thay đổi mô hình tăng trưởng tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã phát biểu: "Giống như các nước thành viên APEC, từ năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thực hiện chiến lược thay đổi mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng đến việc điều chỉnh lại cơ cấu lao động, cơ cấu ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững".
Tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới, tại hội thảo, đại diện một số cơ quan chức năng Việt Nam cũng đưa ra một số giải pháp trọng điểm đã được Chính phủ Việt Nam áp dụng như Đề án Tái cơ cấu kinh tế, Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu một số ngàn như tài chính, ngân hàng...
Việt Nam là một thành viên tích cực trong các hoạt động của Ủy ban Kinh tế APEC, đặc biệt là hoạt động xây dựng và thực hiện Chiến lược mới của APEC về Cải cách Cơ cấu (ANSSR). Trong kế hoạch hoạt động ANSSR của Việt Nam, một trong những mục tiêu cơ bản là việc nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế thị trường, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Đây là một trong những định hướng chính của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020.
Theo VCCI