Châu Á -Thái Bình Dương những ngày này rộn ràng với những hội nghị của hai tổ chức quan trọng: Hội nghị APEC ở Hawaii, Mỹ và loạt hội nghị ASEAN họp tại Bali, Indonesia - những sự kiện chắc chắn tác động mạnh tới không gian chính trị-kinh tế của khu vực.
APEC 19 – vì một nền kinh tế liền khối
Những sự kiện liên quan đến APEC đang diễn ra tại Honolulu, bang Hawaii của Mỹ, thu hút hơn 20.000 người tham gia, trong đó có các nhà lãnh đạo quốc gia, các bộ trưởng trong chính phủ,
Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên sau 18 năm, Mỹ đăng cai hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, kể từ khi Tổng thống Bill Clinton chủ trì hội nghị tương tự tại Seattle năm 1993. Vì thế, các động hướng chính sách mới của Mỹ tại hội nghị này được dư luận hết sức chú ý, nhất là trong bối cảnh “Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TPP) do Mỹ chỉ đạo đã có những “tiến triển quan trọng” và chuẩn bị đón nhận sự tham gia của Nhật Bản.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và khu vực phục hồi chậm lại với nhiều khó khăn và tồn tại những nguy cơ lớn trong các lĩnh vực hệ thống ngân hàng, nợ công, việc làm – đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, APEC 19 đã nhất trí đưa ra định hướng hợp tác trong năm 2011 là “Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại” nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và hướng tới bền vững.
APEC 19 tập trung vào 3 trọng tâm là: đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực và mở rộng thương mại; thúc đẩy tăng trưởng xanh; nâng cao hợp tác và đồng bộ về chính sách.
Bên lề cấp cao APEC tại Hawaii còn diễn ra một loạt cuộc gặp cấp cao đa phương-song phương, thảo luận những vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là liên quan đến an ninh và thương mại.
Chọn Hawaii - điểm trung tâm của châu Á-Thái Bình Dương và đặc biệt đây là nơi tổng thống Obama sinh ra, Washington muốn chuyển đến các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên thông điệp: Mỹ đã trở lại châu Á.
Tổng thống Obama, người chủ trì các nghị trình về chính sách đối ngoại vốn đang bị chi phối của những biến động ở Trung Đông và khủng hoảng nợ châu Âu, tuyên bố sẽ nỗ lực chuyển dịch trọng tâm về châu Á, nhằm thực hiện tốt cam kết làm sâu sắc mối quan hệ của Mỹ trong khu vực.
Các nước thành viên APEC rất quan trọng đối với thương mại của Mỹ, các nước này mua 60% xuất khẩu của Mỹ, cũng như đối với nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Washington đã sử dụng tổ chức này để phát huy ảnh hưởng kinh tế lớn hơn đối với khu vực.
Cũng chính vì lý do này, chính quyền Obama hy vọng hối thúc các quốc gia xúc tiến đàm phán về một nhóm mậu dịch nhỏ hơn trong khối, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hy vọng xây dựng TPP thành một hiệp định mậu dịch tự do đa phương hướng tới thế kỷ 21 và có tiêu chuẩn cao hơn.
Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương được thành lập năm 1989 với mục tiêu là tăng cường sự trao đổi thương mại giữa các quốc gia trong khu vực rộng lớn châu Á-Thái Bình Dương và là bước tiến cho sự hội nhập kinh tế với châu Âu và Bắc Mỹ.
Việt Nam ra nhập APEC tháng 11-1998. Đến nay APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 9 thành viên của Nhóm các nền kinh tế lớn (G-20).
Hội nghị APEC được xây dựng trên cơ sở bàn bạc nhất trí, thành quả của nó là một cơ chế “có tính đàn hồi” không có sự ràng buộc pháp lý.
Hội nghị ASEAN – Thượng đỉnh Đông Á thu hút dư luận
Một tuần sau APEC tại Hawaii, ngày 19/10, mọi sự chú ý sẽ hướng về Bali, nơi diễn ra loạt hội nghị thường niên của ASEAN, trong đó được dư luận đặc biệt chú ý là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).
Một EAS trọn vẹn sẽ lần đầu tiên được tổ chức, kết nối lãnh đạo của 10 nước thành viên ASEAN với 8 quốc gia khu vực bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
EAS năm 2011 sẽ tiếp tục là một diễn đàn đối thoại các vấn đề kinh tế, chính trị và chiến lược rộng lớn nhằm thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và ổn định chung. Sự kiện này cũng sẽ đánh dấu việc hai thành viên mới là Mỹ và Nga tham gia EAS.
Mặc dù không phải một nước Đông Á, nhưng Mỹ vẫn là một yếu tố quan trọng trong môi trường chính trị Đông Á, cần thiết cho tiến trình xây dựng cộng đồng Đông Á - mục tiêu cao nhất của EAS.
Nga, hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, có chung biên giới với Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và có tầm quan trọng về địa chính trị đối với Đông Á, đặc biệt liên quan đến an ninh năng lượng.
Hai vấn đề mới có khả năng được đưa thêm vào chương trình nghị sự của EAS năm nay là: mối quan hệ giữa an ninh truyền thống và phi truyền thống do Mỹ đưa ra; và vấn đề liên kết do Trung Quốc đề nghị.
Giới phân tích khắp khu vực hy vọng những quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc, giữa Trung Quốc với Mỹ tiếp tục được cải thiện để hướng đến EAS vào tháng 11. Một EAS có tác dụng thực sự sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Là Chủ tịch ASEAN năm nay, Indonesia sẽ giữ vai trò chủ tọa EAS. Theo dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Barack Obama đều tham dự, phản ánh tầm quan trọng của EAS trên trường ngoại giao quốc tế.
Đặc biệt, với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama, các cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại một thời điểm rất quan trọng. Mỹ phải chứng minh được tầm quan trọng của mình đối với Đông Nam Á, phải tham gia vào khu vực với một tinh thần trách nhiệm và theo đuổi một chính sách chặt chẽ, rõ ràng hơn đối với Đông Nam Á.
Cuộc họp đầu tiên của EAS được tổ chức năm 2005, bao gồm 16 quốc gia với Nga là quan sát viên và không có sự tham gia của Mỹ.
Ban đầu Washington coi hội nghị này là một nỗ lực của các nước thành viên nhằm loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực. Nhưng là một phần trong chiến lược tái can dự, Mỹ gần đây đã thay đổi quan điểm và năm nay sẽ tham dự vào hội nghị này với tư cách là thành viên đầy đủ lần đầu tiên.
Theo Dantri