|
Chỉ có xây dựng được thương hiệu gạo VN mới có thể nâng cao giá trị xuất khẩu gạo VN trong tương lai, đồng thời nâng cao thu nhập của người trồng lúa.
Nhiều chuyên gia khẳng định như vậy tại hội thảo “Định vị thương hiệu gạo Việt” trong khuôn khổ Festival lúa gạo VN lần thứ hai tại Sóc Trăng 2011 ngày 9-11.
Khoảng trống thị trường
"Chúng tôi muốn gạo ngon cụ thể chứ không gọi gạo thơm chung chung. Không thể đánh đồng thị trường gạo thơm như gạo thường. Khách hàng đòi hỏi chất lượng cao nhưng phải đồng đều, đừng bao giờ pha trộn cho dù là vô tình hay cố ý."
Ông Lam Sai Ho (phó chủ tịch Golden Resources Development International Ltd, Hong Kong) |
Phát biểu tại hội nghị, GS Bùi Chí Bửu - viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam - cho biết VN và Thái Lan chiếm áp đảo trong tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới, nhưng so với gạo Thái, cái mà VN thiếu chính là thương hiệu quốc gia cho gạo VN.
Trong khi Thái Lan có các loại gạo nổi tiếng như gạo đồ, gạo hom mali... và được bày bán tại các chuỗi siêu thị nhiều nước trên thế giới thì gạo VN vẫn chỉ bán theo dạng thô phân chia bởi phẩm cấp (5%, 15%... tấm). Thế nhưng tình thế hiện nay trên thị trường gạo thế giới cũng như bản thân ngành gạo trong nước đã có những bước chuyển quan trọng để VN phát triển thương hiệu và định vị lại hình ảnh của hạt gạo Việt.
Đầu tiên đó chính là khoảng trống thị trường mà Thái Lan tạo ra do chính sách nâng giá mua lúa gạo nội địa của họ. Ông Venkatram Subramanian, phó chủ tịch tổ chức The Rice Trader, cho rằng VN đang có cơ hội lớn trên thị trường. Dù một số thị trường giảm vì gạo Ấn Độ nhưng được thay thế bằng thị trường của Thái Lan do nước này tăng giá.
Còn ông Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết nếu thực hiện tăng giá lúa nội địa đúng như cam kết thì giá gạo trắng xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng lên mức 750-800 USD/tấn, trong khi gạo thơm chất lượng cao có thể lên đến 1.400 USD/tấn. Đây là điều đáng lo ngại cho ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan vì khách hàng sẽ không chấp nhận và đi tìm thị trường khác. “Có lẽ chúng tôi phải dọn nhà qua VN để làm việc” - ông Chookiat nói vui.
Tạo điểm khác biệt
Tuy nhiên, cùng với cơ hội từ việc suy giảm trong xuất khẩu của gạo Thái, VN cũng chịu áp lực rất lớn từ các đối thủ bán gạo giá rẻ và các đối thủ mới. Hiện Ấn Độ và Pakistan bán gạo thấp hơn của VN khoảng 100 USD/tấn nên họ đang chiếm lĩnh thị trường gạo châu Phi. Các nước mới gia nhập thị trường gạo xuất khẩu như Campuchia, Myanmar cũng đi theo chiến lược giá rẻ.
Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để cạnh tranh VN cần tạo điểm khác biệt chính là chất lượng gạo. TS Võ Hùng Dũng, giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) tại Cần Thơ, cho biết chất lượng lúa gạo của VN đã được cải thiện rõ rệt trong thời gian gần đây do công tác chọn giống, cơ giới hóa thu hoạch và đầu tư công nghệ xay xát. Hậu cần (logistics) cho ngành gạo của VN đã phát triển vượt bậc trong mười năm qua mà nhiều đối thủ của chúng ta như Ấn Độ, Pakistan, Campuchia hay Myanmar chưa thể theo kịp. “Có lúa gạo để bán mới chỉ là bước đầu, có thể giao hàng đúng tiến độ hay không mới làm tăng niềm tin của đối tác. VN đã có thể giao tới 800.000 tấn gạo trong một tháng và có thể nâng lên đến 1 triệu tấn/tháng” - TS Dũng cho biết.
Ngoài ra theo ông Huỳnh Minh Huệ - tổng thư ký Hiệp hội Lương thực VN (VFA), sản lượng gạo của VN trong năm năm tới sẽ không tăng lên do mất đất canh tác vì đô thị hóa, nước biển dâng và thiếu nước bởi các đập ở thượng nguồn vào mùa khô. Do đó, mục tiêu mà VN xuất khẩu gạo trong năm năm tới chỉ ở mức 6,5-7 triệu tấn. Với lượng xuất khẩu gạo không tăng, VN buộc phải thay đổi chiến lược gạo xuất khẩu, xây dựng thương hiệu tập trung vào phân khúc chất lượng cao để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Quan trọng là lợi ích của nông dân
TS Võ Hùng Dũng cho rằng vị trí là nước xuất khẩu gạo số 1 hay số 2 thế giới không quan trọng, vấn đề là lợi ích của nông dân, an ninh lương thực của quốc gia có đảm bảo được hay không. Các doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu gạo VN một cách đồng bộ ở cả ba cấp: quốc gia, công ty và các sản phẩm gạo riêng biệt. Ngoài ra, các công ty nên đa dạng hóa xuất khẩu nhiều sản phẩm từ gạo chứ không chỉ có gạo thông thường để nâng cao giá trị.
Ông Lam Sai Ho - phó chủ tịch Golden Resources Development International Ltd, nhà nhập khẩu gạo hàng đầu của Hong Kong - cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để VN thâm nhập thị trường gạo thơm của thế giới do gạo VN rất cạnh tranh với gạo Thái Lan.
Theo ông Ho, trước đây gạo Thái Lan chiếm 80% tổng lượng gạo nhập khẩu Hong Kong. Nhưng kể từ năm 2010 gạo Thái Lan chỉ còn trên 60%, gạo từ VN trước đây chưa tới 3% nay lên tới 18% do gạo VN chất lượng và giá cạnh tranh hơn. “Với điều chỉnh chính sách từ Thái Lan trong thời gian tới thì xu hướng này vẫn còn tiếp tục. Các bạn đừng bỏ qua cơ hội này nhưng phải có cách tiếp cận dài hạn vì không chỉ có Hong Kong mà sau đó là cả thị trường Trung Quốc nội địa” - ông Ho phân tích.
Ông Ho cho biết thêm sản phẩm gì bán được ở Hong Kong sẽ bán chạy ở Trung Quốc. Đó là một thị trường phát triển mạnh vì mức sống nâng cao, người dân muốn ăn loại gạo ngon hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều người Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao hơn cả Singapore và Hong Kong để mua gạo ngon, đặc biệt là gạo jasmine. Và xu hướng này còn tiếp tục là tiềm năng tốt cho gạo VN.
VN thay đổi vì khách hàng thay đổi
Ông Phạm Quang Diệu, kinh tế trưởng Công ty phân tích thị trường Agromonitor, cho biết VN cũng phải thay đổi chiến lược và chủng loại gạo xuất khẩu do các khách hàng đã thay đổi luật chơi. Philippines giảm mạnh lượng nhập khẩu (tuyên bố chỉ nhập 860.000 tấn), đánh tiếng tìm nhiều nguồn nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia..., cho phép tư nhân tham gia nhập khẩu và lựa chọn thời điểm để tham gia thị trường. Không chỉ Philippines, nhiều quốc gia nhập khẩu khác cũng sẽ thay đổi cách làm trước đây. VN, theo đó, cũng buộc phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. |
Theo TTO
|