|
Không thể trả nổi những khoản nợ với lãi suất khủng từ tín dụng đen, hơn 90 chủ DN tại thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã bỏ trốn, 3 người tự sát. Còn tại VN, dù chưa có số liệu thống kê chính thức nào về việc vỡ nợ tín dụng đen liên quan DN phá sản, nhưng dư luận không thể không đặt ra những dấu hỏi, nhất là khi các vụ việc vỡ nợ tín dụng đen tràn lan trên các phương tiện truyền thông.
Khó khăn tín dụng từ NH đã khiến DN và người dân không còn cách nào khác ngoài tìm đến các tổ chức tín dụng đen
Tại VN, thời điểm hiện nay, khi hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đều công bố các gói hỗ trợ lãi suất 17-19% cho DN và các hộ gia đình, cá thể sản xuất, thì trên thực tế, vốn vẫn là một trong những “vấn nạn đau đầu”.
Sản xuất cầm cự nhờ... tín dụng đen
Theo phản ánh của nhiều DN với DĐDN, lãi suất “hỗ trợ” không hề dễ vay và chỉ dành cho hầu hết những tổ chức kinh doanh trong các lĩnh vực xuất khẩu, thậm chí là với những tổ chức này thì để vay được vốn, họ cũng phải chấp nhận nhiều điều kiện đi kèm như buộc phải “san sẻ” nguồn thu ngoại tệ cho NH, hoặc ký quỹ với một tỷ lệ vốn vay nhất định. Vì vậy, rất nhiều DN vẫn rơi vào tình trạng đói vốn.
Ông Hoàng Nguyên - Giám đốc Cty TNHH - TM - DV - SX Hoàng Nguyên cho biết, để tiếp tục sản xuất và duy trì nhân công lao động, duy trì các điểm phân phối hàng mà phải tốn nhiều chi phí lẫn thời gian mới “lọt cửa”, ông đã làm hồ sơ thế chấp nhà ở gia đình lẫn nhà xưởng, nhưng gõ cửa nhiều NH cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. “Một số NH nói rằng để thế chấp nhà ở vay tiền cho hoạt động DN, tôi phải hoàn thiện thêm nhiều thủ tục pháp lý nữa. Một số NH lại định giá nhà ở và nhà xưởng của tôi quá... bèo bọt, nếu họ có cho vay cũng chỉ được một khoản nhỏ chẳng thấm tháp vào đâu. Có NH lại bảo thẳng là họ không có vốn cho DN sản xuất nhỏ vay, họ chỉ có chức năng hỗ trợ vốn cho DN xuất khẩu... Thành ra nếu muốn duy trì cơ nghiệp, chỉ có cách đi vay người thân, bè bạn. Cạn kiệt thì đi vay “nóng”. Cầm chắc vay nóng là lỗ nhưng tôi vẫn hy vọng cầm cự qua một thời gian”.
Tâm lý cầm cự DN để hy vọng “trời lại sáng” như của ông Hoàng Nguyên khá phổ biến khiến nhiều DN chấp nhận mạo hiểm với tín dụng đen, qua đó tạo cơ hội để các loại hình tín dụng tư nhân phi chính thức này có đất nở rộ.
Và cũng chính bởi những tâm lý như vậy đã khiến dư luận đặt dấu hỏi liệu hàng loạt vụ vỡ nợ có điểm xuất phát do khó khăn về vốn từ phía các “con nợ” - vốn là chủ nợ của các DN, người đi vay - nhưng lại là “con nợ” của hàng chục, hàng trăm người tham gia góp vốn đã bục ra, gây xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội của nhiều vùng quê, tỉnh thành?. Phân tích hiện tượng hàng loạt vụ vỡ nợ quy mô nhỏ vài chục tỷ đồng lên tới hàng trăm tỷ đồng, TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV nhận định: “Chung quy, nguyên nhân chủ yếu vẫn là căng thẳng vốn. Dù NH đã khẳng định ưu tiên vốn cho các DNNVV, xuất khẩu và ưu tiên phát triển nông thôn nhưng thực tế cho thấy các DN này rất khó tiếp cận vốn. Khó khăn tín dụng từ NH đã khiến DN và người dân không còn cách nào khác ngoài tìm đến các tổ chức tín dụng đen. Nói ngắn gọn là khi NH không giải quyết, đáp ứng được nhu cầu tín dụng thì cầu tín dụng sẽ tự khắc tìm đến những nơi khác, đến những dạng thức tín dụng khác không bị kiểm soát”.
“Sốt” tín dụng đen vì chứng khoán và BĐS
Ghi nhận của phóng viên tại nhiều loại hình DN kinh doanh các ngành nghề khác nhau là hầu hết DN sản xuất chỉ cầu cứu tín dụng đen khi không thể tìm được vốn từ bất kỳ kênh nào khác, còn với một số DN kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, hay một số lĩnh vực ăn theo bất động sản như vật liệu xây dựng, nhà thầu dự án..., thì việc vay vốn tín dụng đen với mức lãi vay từ khoảng 6%- 10%/ tháng là một hình thức tín dụng khá quen thuộc.
“Trong gần cả năm qua, trừ những DN có quan hệ mật thiết và đặc biệt với NH, có khả năng “chạy sân sau” để vay vốn, đảo nợ và tiếp tục được NH giải ngân cho một số dự án bất động sản, thì những DN không có được ưu thế đó, nhất là những DN đang có dự án dở dang cần hoàn thiện, phải có đến 80 - 90% là tìm đến với tín dụng đen”, Giám đốc một Cty Tư vấn Địa ốc và Xây dựng cho biết. Theo ông, việc tìm đến các nguồn tín dụng đen tại TP HCM không hề khó. Không tính đến các loại tín dụng đen “tẹp nhẹp” chỉ cho vay một, hai trăm triệu mà bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy ở các trang rao vặt trên mạng, hoặc thậm chí được chào mời bằng tờ rơi dúi tận tay chỗ đỗ xe chờ đèn đỏ, thì với các DN cần vốn từ 1-2 tỉ đồng, thậm chí lên tới 5-7 tỉ đồng hoặc hàng chục tỷ đồng, chỉ cần đánh tiếng tới một vài cá nhân môi giới mà dân bất động sản quen mặt, thuộc tên, là đã có nguồn cung chờ sẵn.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, khẳng định việc DN bất động sản vay tín dụng phi chính thức không phải là một hiện tượng mới. Vấn đề là khi khi bất động sản “ăn nên làm ra”, nóng sốt, DN hay nhà đầu tư rất dễ vay tín dụng NH, thậm chí có vay tín dụng đen thì cũng còn cơ hội để trả nợ. Nhưng khi thị trường đóng băng, sản phẩm làm ra không bán được, lãi mẹ đẻ lãi con, DN không chỉ có nguy cơ bị siết nợ mà còn dễ rơi vào phá sản, “thân bại danh liệt”. Cùng với đó, ngay cả những “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản đứng ra cho vay nặng lãi, vốn liếng không hẳn đều là của họ. Ở cương vị chủ nợ huy động vốn, họ cho vay và lấy lãi được theo đúng thỏa thuận, có tiền trả lãi + vốn cho những người tham gia góp vốn vào đường dây thì không sao, nhưng chỉ cần một, hai DN vay nợ lớn hết sức cầm cự, mất khả năng trả vốn lẫn lãi, “bùng” nợ, thì các đại gia từ chủ nợ biến con nợ, cũng vỡ nợ theo.
Một chuyên gia khác bổ sung, hiện tượng vay vốn để đầu tư chứng khoán, bất động sản trên thị trường tín dụng phi chính thức, đôi khi có nguyên nhân từ chính các... NHTM. Nhiều năm qua, hệ thống NH đã cho vay vốn chứng khoán, bất động sản với tỷ trọng dư nợ khá lớn, trung bình trên 20%/năm/ tổng dư nợ toàn hệ thống. Khi bị áp phải giảm tỷ trọng dư nợ này xuống mức thấp hơn, NH lập tức quay sang ráo riết giục người vay thanh lý tài sản để thu hồi nợ. Người vay NH muốn giữ tài sản của mình, hoặc trong tình thế thị trường suy thoái không thanh lý được, lại phải vay nặng lãi để trả nợ NH, đẩy cầu tín dụng đen và cầu huy động vốn cho tín dụng đen tăng nhanh. Mức độ rủi ro mạo hiểm theo đó được chia cho cả người vay, người cho vay, lẫn người góp vốn cho người cho vay...
Bất ổn từ hệ thống tài chính ?
Thử đặt một giả thiết là: Nếu hệ thống NH đáp ứng được vai trò cung ứng vốn cho DN, người dân và cho nền kinh tế, thì cái gốc của tín dụng đen liệu có còn? Không nói đến nguyên nhân chủ đạo là chính sách tiền tệ thắt chặt để đối phó với lạm phát thời gian qua khiến các NH khó khăn về thanh khoản, theo đó các DN khó khăn về vốn, nếu chỉ bàn về quy mô tín dụng, cũng sẽ thấy hệ thống NH hiện nay đang vận hành với khá nhiều bất cập. Một nhà đầu tư tài chính quốc tế khi quan sát thị trường VN, đã nêu ra một số vấn đề về nhu cầu tài chính vi mô: Tại sao nhiều người dân VN có thói quen tìm đến với tín dụng phi chính thức, tín dụng tư nhân, phải chăng do ở đó họ tìm thấy các nguồn tín dụng “siêu nhỏ” đáp ứng sát gần với nhu cầu thực tế của họ mà không có quá nhiều điều kiện khắt khe như các tài sản đảm bảo, thế chấp, các thủ tục thẩm định hồ sơ vay vốn chiếm khá nhiều thời gian?... Ở cấp độ lớn hơn, tại sao trong bất kỳ cuộc gặp gỡ nào giữa hiệp hội DN với các tổ chức tài chính, NH, đại diện các Hiệp hội cũng bức xúc kêu lên là “NH chẳng khác gì một... tiệm cầm đồ”; phải chăng do khi DN có nhu cầu tín dụng, NH đều chỉ quan tâm đến tài sản của DN?
Trên thực tế, hiện đã có một số NH đang cung cấp tài chính DN căn cứ trên đánh giá định mức tín nhiệm DN do chính NH tự xếp hạng, nhưng chủ yếu chỉ dành cho các DN xuất khẩu theo từng ngành hàng như: Dệt may, da giày, nông sản, dầu thô... Và để có các hợp đồng tín chấp, NH cũng phải khảo sát “chán” các hoạt động kinh doanh, năng lực sản xuất, năng lực trả nợ của DN. Dĩ nhiên giá trị các hợp đồng này rất “khiêm tốn”, có ý nghĩa khuyến khích nhiều hơn giá trị vật chất mà DN cần thực sự. Và các xếp hạng tín nhiệm lại phụ thuộc rất lớn vào cán bộ khảo sát trực tiếp tới DN, những cá nhân có thể hoạt động vì mối quan hệ “nhất thân, nhì quen” và nói như TS. Lê Thẩm Dương, “ít năng lực thẩm định hồ sơ tín dụng, định mức tín nhiệm của DN một cách chuyên nghiệp”.
Một hệ thống tài chính còn khiếm khuyết các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập. Song song cùng hệ thống là sự bành trướng của những dạng thức tín dụng tư nhân phi chính thức. Và một hệ thống mà một phần của tổng nợ (không phân biệt nợ xấu, nợ quá hạn, nợ khó đòi hay nợ an toàn), vẫn đang được DN, người dân, đảo nợ, trả lãi bằng số tiền vay mượn từ tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Căn cứ trên bức tranh được phác thảo sơ bộ này, chúng ta có thể hình dung đến một thời điểm nào đó DN hoặc người dân không chịu nổi lãi vay cắt cổ, chấp nhận phá sản, “quỵt nợ”, thì tỉ lệ nợ xấu của hệ thống đó có còn trong “ngưỡng an toàn”? Điều đáng nói hơn nữa là tỷ lệ nợ vay theo kiểu dây chuyền kể trên hiện chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng dư nợ toàn hệ thống, cũng không một ai biết rõ. |
Theo Baomoi
|