|
Với sự tán thành của 90,4% đại biểu, sáng 9.11, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2012 với chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6% - 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 10%, bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP, nhập siêu khoảng 11% - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện cho phép, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.
|
16 chương trình mục tiêu quốc gia
Cũng trong sáng 9.11, với đa số phiếu thuận, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết về kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, trong 5 năm 2011 - 2015 sẽ thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia (trong đó có chương trình vừa được bổ sung thêm là khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, trong đó có môi trường làng nghề) với tổng kinh phí thực hiện không quá 276.372 tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách T.Ư là 105.392 tỉ đồng (chưa bao gồm số đã phân bổ cho Chương trình 135 giai đoạn 3 và Chương trình 30a về giảm nghèo năm 2011), ngân sách địa phương là 61.542,5 tỉ đồng, vốn ngoài nước là 19.987,5 tỉ đồng, vốn tín dụng là 39.815 tỉ đồng và vốn huy động khác là 49.635 tỉ đồng. |
|
Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển KT-XH năm tới là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân…
QH giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo QH tại kỳ họp thứ 3 của nhiệm kỳ khóa 13.
Ba nội dung trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế được nhấn mạnh trong nghị quyết là tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), tái cơ cấu thị trường tài chính (trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính) và tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước).
Trong 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm tới, QH cũng lưu ý đến việc phải đảm bảo sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chấp hành và tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc của các cấp chính quyền trong thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Điều hành chặt chẽ, thận trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ, xuất - nhập khẩu...; chủ động kiểm soát giá, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường; tăng cường kiểm soát việc chấp hành pháp luật nhà nước về giá và công tác quản lý thị trường ngăn chặn nạn đầu cơ, độc quyền, kiên quyết chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt nhóm chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách chịu tác động lớn khi Nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng điện, xăng dầu, than và giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường.
Thảo luận về luật Tài nguyên nước tại hội trường sáng qua, một số ĐB đề nghị không nên loại trừ nước biển ven bờ ra khỏi luật Tài nguyên nước mà cần phải đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này để khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lý giải: "Tài nguyên nước thuộc lãnh hải còn lớn hơn tài nguyên nước trên đất liền, lãnh hải là lãnh thổ của nước ta được mở rộng thêm 12 hải lý, kể từ vùng nội thủy và theo Công ước của luật Biển, chúng ta có chủ quyền hoàn toàn trên lãnh hải".
ĐB Nghĩa cho rằng, sự chia cắt tài nguyên nước ra thành tài nguyên nước trên đất liền và ven biển, tài nguyên nước biển trong đó có lãnh hải có thể dẫn đến cách hiểu sai về tài nguyên nước trong nguồn lãnh hải, ngộ nhận đó không phải là tài nguyên nước trên lãnh thổ của ta. Trong điều kiện tranh chấp chủ quyền trên biển Đông phức tạp, chủ quyền trên biển của VN đang bị đe dọa...
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Trần Đình Long (Đắk Nông) phát biểu: "Tại điều 1 của dự luật khi chúng ta đã nói là điều chỉnh nước gây ra trên lãnh thổ thì cũng đồng nghĩa bao gồm vùng lãnh hải và nội thủy. Do đó, không có lý do gì chúng ta trừ nước ven bờ".
Tuyết Mai |
Theo TNO
|