|
Doanh nghiệp bắt tay với ngân hàng thực hiện nhiều xảo thuật mua bán USD lòng vòng để kiếm lời, dễ dàng né được sự kiểm soát của cơ quan chức năng
Nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh nhưng cung không theo kịp buộc ngân hàng (NH) phải tìm cách thu mua cao hơn giá niêm yết bằng mọi giá. Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) có nguồn thu ngoại tệ bắt tay với DN khác hoặc đề nghị NH giao dịch lòng vòng để bán USD với giá cao. Tình trạng mua bán USD hai giá tại các NH đang tiếp tục diễn ra.
Giao dịch lòng vòng
Chị V., nhân viên kế toán của một DN, cho biết: “Để mua được ngoại tệ từ NH, công ty tôi thường phải trả thêm chỉ 500 đồng/USD so với giá niêm yết và trả trực tiếp cho NH bằng tiền mặt. Riêng số tiền mua USD theo tỉ giá niêm yết, công ty chi trả cho NH bằng chuyển khoản, tính ra giá thực mua là 21.500 đồng/USD. Khi tôi thắc mắc về khoản tiền chi trả thêm thì nhân viên NH cho biết vì NH thu mua từ DN với giá cao hơn giá niêm yết nên phải bán ra với giá tương ứng”.
Do DN không được phép nộp ngoại tệ vào tài khoản nên nhân viên NH thường tư vấn cho DN theo hướng mua USD bên ngoài rồi bán lại cho NH. NH sẽ hợp thức hóa số ngoại tệ đó bằng cách bán lại USD cho DN. Khi đó, DN mới có được chứng từ hợp pháp để hạch toán kinh doanh. Tuy nhiên, DN mua USD ngoài NH luôn sợ bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử phạt nên không ít đơn vị đặt hàng USD với NH, chấp nhận mức giá thực mua có thời điểm lên tới 21.600 đồng/USD (bao gồm giá mua USD do NH niêm yết cộng với các chi phí liên quan), cao hơn giá mua ngoại tệ trên thị trường tự do 200 đồng/USD.
Bên cạnh đó, DN có nguồn thu USD từ chối bán USD cho NH theo giá niêm yết. Để bán được ngoại tệ giá cao, DN bắt tay với NH quy đổi USD sang euro rồi bán số euro này cho một NH khác. Tỉ giá VNĐ/euro do tổng giám đốc NH thu mua euro quyết định (NH này thực chất là “con” của NH đã quy đổi USD sang euro). Đây chính là chiêu để NH thu mua nhanh USD và kịp thời bán lại cho các DN có nhu cầu mua USD, đồng thời tạo ra một giao dịch lòng vòng nhằm né sự kiểm soát của cơ quan quản lý.
Một chiêu thức khác là thông qua NH, DN bắt tay với DN khác để bán USD với giá cao. NH làm trung gian cung cấp chứng từ hợp lệ rồi thu phí giao dịch, còn khoản chênh lệch giữa giá niêm yết và giá thực mua thì bên bán - mua USD tự “xử” với nhau.
Tác động xấu
Theo các NH, nguồn cung USD chủ yếu là mua ngoại tệ từ NH Nhà nước, DN, kiều hối… Tuy nhiên, NH Nhà nước chỉ bán ngoại tệ cho các NH với số lượng vừa đủ để NH bán lại cho những DN nhập khẩu nhóm mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc chữa bệnh, phân bón… Phần lớn lượng kiều hối từ 6-8 tỉ USD/năm đều chảy vào thị trường tự do hoặc nằm trong dân bởi NH chi trả trực tiếp USD, đồng thời tỉ giá ngoại tệ trên thị trường tự do luôn cao hơn NH vài trăm đồng/USD nên người dân không bán USD cho NH. Do đó, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối gần như bằng không.
Mặt khác, do những tháng cuối năm, nhu cầu mua ngoại tệ tăng mạnh, nhiều DN chấp nhận mua USD bằng mọi giá để nhập khẩu hàng hóa hoặc trả nợ NH. Từ đó, trong nhiều thời điểm, NH không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ, buộc phải tìm mọi cách để thu mua USD với giá cao hơn giá niêm yết khiến giá bán ngoại tệ của NH cũng tăng theo. Hệ quả là DN mua USD sẽ chuyển hóa mọi chi phí mua ngoại tệ vào giá thành sản phẩm, từ đó có thể góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng đi lên, tác động không tốt đến lạm phát.
Có dấu hiệu phạm luật
Vì lợi ích kinh tế, DN bán - mua USD và NH đều có dấu hiệu lách quy định về giao dịch ngoại tệ. Khi DN mua USD không cung cấp bằng chứng thì cơ quan quản lý dù có biết cũng chịu thua.
Theo quy định, mọi giao dịch ngoại tệ đều thông qua NH, DN không được nộp ngoại tệ không rõ nguồn gốc vào tài khoản để thanh toán tiền mua hàng hóa. NH chỉ được thu phí giao dịch ngoại tệ như phí chuyển khoản, phí thanh toán nước ngoài... Việc các NH hợp thức hóa giao dịch USD dưới nhiều hình thức khác đều phạm luật. |
Theo NLD
|