|
Đây là mục tiêu trọng tâm đặt ra trong kế hoạch sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc, cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh, tái cơ cấu tài chính, tăng cường quản trị trong doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ.
Quy mô nhỏ, cơ cấu bất hợp lý, nhiều DNNN gặp khó
Theo Ban Đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Bộ GTVT, mặc dù các DNNN thuộc Bộ đã tích cực thực hiện sắp xếp, chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ, cơ cấu còn nhiều bất hợp lý.
Nhìn chung, trình độ công nghệ còn lạc hậu, quản lý còn yếu kém, chưa thực sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, chưa tương xứng với các nguồn lực đã có và sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.
Một số doanh nghiệp quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính yếu kém, dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn được vốn nhà nước giao, mất cân đối tài chính, lỗ lũy kế lớn. Lỗ lũy kế từ các năm trước chưa được giải quyết bù đắp hết thì lỗ năm sau lại phát sinh. Điều này khiến không ít doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính, không thanh toán được các khoản nợ đến hạn.
Cũng theo Ban Đổi mới DNNN, Bộ GTVT, tài sản của các DNNN thiếu, nguồn vốn hình thành tài sản cố định chủ yếu phải vay ngân hàng. Phần lớn tài sản cố định hiện nay của các đơn vị đã cũ, trình độ công nghệ lạc hậu, một số tài sản cố định nhập khẩu từ nước ngoài với giá quá cao nhưng lại không phát huy được hết công suất, hiệu quả do việc lựa chọn chủng loại thiết bị, điều kiện hoạt động, giá cả chưa phù hợp hoặc chưa cân đối với khả năng tài chính, quy mô hoạt động của đơn vị.
Hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp chưa cao. Riêng đối với các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc khối xây lắp, do đặc thù hoạt động trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông, có tính cạnh tranh cao, vốn điều lệ thấp (bình quân khoảng 200 tỷ đồng/tổng công ty), nợ đọng nhiều, chi phí lãi vay ngân hàng lớn, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thấp... nên hoạt động của các doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng từ đây, mục tiêu lớn mà Bộ GTVT đặt ra trong kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 là phải hình thành các doanh nghiệp mạnh, có nguồn lực, năng lực tài chính để hoạt động và phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bán, cho phá sản các doanh nghiệp không còn vốn nhà nước
Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT sẽ tiếp tục CPH 70 doanh nghiệp. Trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, cơ cấu lại tài chính để CPH, nếu đơn vị nào không còn vốn nhà nước sẽ chuyển sang hình thức bán, phá sản.
Thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp cùng ngành nghề, Bộ dự kiến chuyển nguyên trạng Công ty Vận tải và xếp dỡ đường thủy nội địa về làm đơn vị thành viên Tổng công ty Vận tải thủy; chuyển nguyên trạng các công ty hoa tiêu hàng hải và Công ty trục vớt cứu hộ Việt Nam về làm đơn vị thành viên của 2 Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc và miền Nam.
Cùng với đó, Bộ sẽ tham gia thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin và tái cơ cấu vốn, mô hình tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổng công ty, công ty TNHH MTV thuộc Bộ. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng phương án chuyển các BQL dự án thành doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án.
Khẳng định việc thành lập các Tập đoàn trong ngành GTVT là nhu cầu cấp thiết, làm cho tổ chức kinh doanh chuyển lên một quy mô lớn hơn, rộng hơn, chuyên môn hóa và hợp tác hóa sâu rộng hơn, khắc phục được các hạn chế cũ, nhanh chóng phát huy những thế mạnh, tạo bước đột phá, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng cho phép xây dựng hình thành 2 Tập đoàn Xây dựng công trình giao thông, Tập đoàn Đầu tư đường cao tốc Việt Nam và Tập đoàn Đầu tư, khai thác cảng hàng không.
PGS.TS Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng tái cơ cấu DNNN, quan trọng nhất là công khai hóa, minh bạch hóa thông tin.
Một trong những giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của khối DNNN là đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thu hẹp tối đa số DNNN nắm giữ vốn 100%. Đối với các DN mà nhà nước cần tiếp tục quản lý, sử dụng như một công cụ kinh tế thì nên lựa chọn hình thức CTCP, trong đó nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Do đó, trọng tâm trong thời gian tới là cần tiếp tục rà soát các DNNN để phân loại và kiên quyết sắp xếp các DNNN đã phân loại, được phê duyệt nhằm sớm có cơ cấu DN phù hợp. |
Theo GTVT
|