|
Sau thời gian dài gây náo loạn thị trường tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công châu Âu đang bước vào giai đoạn nguy hiểm mới với tâm điểm là Italy.
Ngay khi khủng hoảng nợ công Hy Lạp xảy ra đầu năm 2010, giới phân tích đã dự báo về sự lan rộng của nó đối với hệ thống tài chính kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng nợ công Hy Lạp chỉ là một triệu chứng của khủng hoảng tín dụng trên toàn thế giới do việc bùng nổ cho vay dưới chuẩn hồi tháng 8/2006.
Cơn hỗn loạn tài chính đã lan đến Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếp theo sẽ là Italy. Đây không phải là vấn đề châu lục, Liên minh châu Âu có thể tự mình xử lý mà đã trở thành một vấn đề mang tính toàn cầu bởi nó ảnh hưởng xấu đến tâm lý của giới đầu tư trên toàn thế giới.
Hy Lạp chính là khởi điểm của cơn sóng thần lan nhanh và đe dọa đến hệ thống tài chính kinh tế toàn cầu. Lẽ ra châu Âu phải xử lý cuộc khủng hoảng ngay từ khi nó mới manh nha xuất hiện nhưng tổ chức này đã liên tục trì hoãn.
Dù rất nhiều cuộc họp cấp cao đã được tổ chức, những tuyên bố và kế hoạch đã được các nước châu Âu đưa ra, nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng nợ công đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới khi thị trường mất niềm tin vào trái phiếu Italy. Italy đã chính thức trở thành tâm điểm mới của khủng hoảng nợ công châu Âu khi trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này có lãi suất vượt 7,5% một năm - cao nhất kể từ khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 1999.
Theo thống kê của tờ Financial Times, giá trị thị trường trái phiếu của Italy hiện nay là khoảng 1.900 tỷ euro, quá lớn so với mức 440 tỷ của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), điều này cũng có nghĩa là EFSF chỉ đủ tiền để mua lại khoảng 20% số trái phiếu của Italy. Italy là nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng Euro, lớn hơn rất nhiều Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha, chính vì thế các nhà phân tích cho rằng, không thể có gói giải cứu nào đủ lớn cho Italy.
Hiện nay, việc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này không phải là điều dễ dàng. Khi nhiều chính sách thắt lưng buộc bụng bị lạm dụng để giảm nợ công, một cuộc suy thoái trầm trọng sẽ xảy ra. Trước đây, các quốc gia áp dụng chính sách thắt chặt tài khóa đi kèm với hạ giá tiền tệ. Tuy nhiên, các thành viên Liên minh châu Âu sử dụng chung một đồng tiền, nên họ không thể làm được điều này.
Bên cạnh đó, giải pháp nâng vốn ngân hàng thêm 106 tỷ euro và tăng EFSF lên 1.000 tỷ euro có thể sẽ giải quyết các tác động xấu từ Hy Lạp, nhưng giới phân tích thị trường cho rằng nó không thể đảm bảo châu Âu chịu đựng được những cú sốc từ Italy hay Tây Ban Nha. Vì vậy, rủi ro khủng hoảng nợ công biến thành khủng hoảng ngân hàng là rất lớn.
Cho đến nay, kinh tế thế giới đã nhiều lần khởi sắc sau mỗi kế hoạch được công bố, nhưng rồi lại sụt giảm thảm hại bởi thị trường nhận thấy một điều rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng chưa hề qua đi.
Tình hình hiện tại ở châu Âu đòi hỏi một quyết định lớn mang lại những thay đổi tích cực. Theo nguồn tin của Reuters, các quan chức Đức và Pháp đã thảo luận về kế hoạch thực hiện một cuộc cải cách triệt để Liên minh châu Âu liên quan tới việc thiết lập một khu vực đồng tiền chung Euro nhỏ hơn và hòa nhập hơn. Điều này đồng nghĩa với khả năng sẽ có một hay nhiều thành viên Eurozone phải rời bỏ khu vực này.
Theo VnExpress
|