Cần chuyển vai trò của Nhà nước từ tham gia đầu
tư trực tiếp sang chia sẻ lợi ích và rủi ro với tư nhân để thu hút mạnh mẽ vốn
đầu tư
Kết cấu hạ tầng được coi là bệ phóng quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu
lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, bài toán về vốn
đang là vấn đề đặt ra.
Lạc hậu, không đồng bộ
Mặc dù phát triển kết cấu hạ tầng luôn là lĩnh vực trọng tâm trong các chủ
trương đầu tư, sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng đến nay, hệ thống kết cấu hạ
tầng của Việt Nam vẫn yếu kém, lạc hậu, không đồng bộ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, so với các nước trong khu vực, mật độ đường
giao thông chính yếu của Việt Nam, đường có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và trung
bình mới chiếm 47%, tỉ lệ đường cao tốc chỉ đạt 0,1% trong khi Thái Lan đạt
13,3%, Malaysia đạt 2,1%, Hàn Quốc đạt 3,3%. Các TP có hơn 5 triệu dân trên thế
giới đều có tàu điện ngầm nhưng Hà Nội và TPHCM đều không có.
Việt Nam cũng chưa có đường sắt tốc độ cao, chưa có bến cảng, sân bay hiện
đại đáp ứng nhu cầu vận tải đa phương thức. Hệ thống cấp, thoát nước ở các đô
thị vừa yếu kém lạc hậu vừa quá tải đang gây ách tắc cho phát triển. Tỉ lệ đất
dành cho giao thông của Hà Nội chỉ đạt 6% - 7%, của TPHCM đạt 8% trong khi quy
định tiêu chuẩn là 20% - 25%.
Công nghệ của các nhà máy điện Việt Nam cũng chỉ đạt trình độ trung bình so
với các nước trong khu vực. Sản lượng điện thương phẩm bình quân đầu người mới
đạt 980 KWh, ở mức thấp so với thế giới. Hệ thống lưới điện chất lượng thấp,
tổn thất điện năng lên đến 9% - 10% trong khi con số trung bình của thế giới là
8,4%. Một số nước trong khu vực châu Á còn có tỉ lệ thấp hơn như Thái Lan 5,9%,
Hàn Quốc 3,7%, Malaysia 3,8%.
Vượt quá khả năng ngân sách
Tại Việt Nam, nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng được huy động từ các
nguồn ngân sách, nguồn vốn tư nhân và từ sự đóng góp của cộng đồng theo chủ
trương xã hội hóa. Trong đó, chủ yếu là vốn ngân sách, bao gồm cả vốn ODA và
phát hành trái phiếu Chính phủ.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng nhu
cầu vốn cho các dự án hạ tầng được quy hoạch từ nay đến năm 2020 khoảng 5.900 –
6.100 nghìn tỉ đồng, tương đương 295 - 305 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 2011 –
2015 có tổng nhu cầu vốn khoảng 2.200 – 2.300 nghìn tỉ đồng, bao gồm 1.100 –
1.150 nghìn tỉ đồng cho hạ tầng giao thông, 427 nghìn tỉ đồng cho điện; 220
nghìn tỉ đồng hạ tầng đô thị và hạ tầng nông thôn…
Tuy nhiên, tổng nguồn vốn ngân sách có khả năng đầu tư chỉ đáp ứng được hơn
một nửa nhu cầu. Nếu không có đột phá về cơ chế chính sách huy động, sử dụng
nguồn lực thì khó hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất cần chuyển vai trò
của Nhà nước từ tham gia đầu tư trực tiếp sang chia sẻ lợi ích và rủi ro với tư
nhân. Nhà nước sẽ chỉ tập trung đầu tư giải phóng mặt bằng sạch, đầu tư hỗ trợ
thương mại cho hệ thống kết cấu hạ tầng, đầu tư vào các công trình mà các nhà
đầu tư ngoài Nhà nước không làm.
Chính phủ cần sớm xây dựng khung pháp lý chia sẻ
rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân, bảo đảm tính cạnh tranh của các dịch vụ kết
cấu hạ tầng giữa các đơn vị kinh doanh khai thác. Mạnh dạn thực hiện nhượng
quyền đối với các dự án quan trọng và có ưu tiên cao nhưng có tiềm năng theo
các hình thức đầu tư như hợp tác công – tư (PPP), xây dựng – chuyển giao (BT),
xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT)…
Theo NLĐ