Theo Bộ Công Thương, năm 2010 xuất khẩu ngành hàng điện tử đạt 3,15 tỷ USD, nhưng nhập khẩu ngành hàng này đạt hơn 5,141 tỷ USD, nhập siêu 2 tỷ USD.
Năm 2010, ngành ôtô xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD linh kiện, nhưng nhập khẩu tới hơn 1,9 tỷ USD linh kiện và khoảng 1 tỷ USD xe nguyên chiếc. Tính tổng cộng, nhập siêu ngành này khoảng 1,5 tỷ USD kể cả xe nguyên chiếc lẫn linh kiện.
Khủng nhất là ngành thép, năm ngoái nhập khẩu 7 tỷ USD thép và nguyên liệu sản xuất thép, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 1tỷ USD. Như vậy trong số gần 13 tỷ USD nhập siêu cả nước năm 2010 thì 3 ngành hàng này đã chiếm gần 10 tỷ USD
Đây là 3 ngành công nghiệp quan trọng. Thép được coi là "bánh mỳ", còn điện tử, ôtô được coi là "xương sống" của các ngành công nghiệp. Với nhiều quốc gia trong khu vực các ngành công nghiệp này có kim ngạch xuất siêu lớn là nguồn thu ngoại tệ chính cho đất nước.
Chẳng hạn như Malaysia, mỗi năm xuất khẩu tới 60 tỷ USD linh kiện điện tử và máy tính, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Trong khi đó tại Việt Nam, ba ngành công nghiệp này lại nhập siêu.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến nhập siêu của ba ngành hàng này cao là do thuế nhập khẩu với hàng điện tử từ khu vực AFTA tiếp tục giảm theo lộ trình, ngoài ra, hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ đang ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn với ngành thép là đầu tư thiếu định hướng, còn với hai ngành điện tử và ôtô là do công nghiệp hỗ trợ trong nước kém phát triển dẫn đến tất cả phải nhập khẩu.
Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết, sản xuất thép của Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, chủ yếu là sản xuất thép xây dựng và tập trung cho công đoạn sản xuất ở hạ nguồn, nhập phôi để cán nguội sản phẩm. Vì vậy, số lượng nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh theo từng năm.
Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khoảng 45% phôi và 80% thép phế liệu. Cả nước có tới 32 dự án thép ngoài quy hoạch mà chủ yếu là đầu tư vào cán thép xây dựng, làm cho tổng công suất thép xây dựng lên tới 10 triệu tấn, vượt xa nhu cầu trong nước. Sản xuất thép xây dựng, năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 67% tổng công suất.
Trong khi đó, còn rất nhiều sản phẩm thép mà Việt Nam chưa sản xuất được như thép dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất lượng cao... thì hầu như rất ít các dự án đầu tư nên phải nhập khẩu gần như toàn bộ. Chính điều này đã biến thép thành một trong những ngành "ngốn" ngoại tệ nhất hiện nay.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, đến nay chẳng có gì khi 90% linh phụ kiện phải nhập khẩu. Các phụ kiện sản xuất ở trong nước chỉ là hộp carton, xốp chèn, vỏ nhựa, màn hình TV CRT 21inch, sách hướng dẫn...
Hầu hết các DN điện tử trong nước và đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam đều không thể tìm thấy các linh phụ kiện có giá trị cao ở thị trường nội địa. Nguồn cung cấp linh kiện điện tử chủ yếu là nhập khẩu. Các DN chỉ sử dụng được tại Việt Nam là nhân công và đất đai giá rẻ.
Ngành công nghiệp ôtô cũng tương tự, 80% linh kiện phải nhập khẩu, kể cả ốc vít. Việt Nam chỉ sản xuất được những linh kiện giản đơn như khung ghế ngồi, ăng ten, bàn đạp chân phanh, chân ga, dây điện, lò xo, nhíp... có giá trị gia tăng thấp.
Trong 10 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử và linh kiện máy tính ước đạt 3,15 tỷ USD, song kim ngạch nhập khẩu cũng tăng lên 5,6 tỷ USD, nhập siêu hơn 2,4 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ ở mức 3 tỷ USD.
Nhập siêu của ôtô năm nay có giảm xuống nhưng cũng ước đạt khoảng 1 tỷ USD kể cả linh kiện và xe nguyên chiếc. Ngành thép kim ngạch xuất khẩu tăng lên gần 2 tỷ USD và nhập khẩu giảm, nhưng theo Hiệp hội Thép, nhập siêu ước tính cũng ở mức gần 4 tỷ USD.
Thời gian tới, ba ngành công nghiệp này được cho là vẫn giữ mức nhập siêu cao. Với ngành thép, khi kinh tế phát triển, thép bình quân trên đầu người đạt 100 kg, với tỷ lệ 55% là thép tấm, lá thì nhu cầu tăng cao, trong khi trong nước không sản xuất được, chắc chắn sẽ phải nhập khẩu nhiều.
Với ngành đện tử khi thuế nhập khẩu ngày càng giảm, sản phẩm mới ngày càng nhiều và rẻ thì nhập khẩu khẩu cũng tăng. Còn với ngành ôtô, theo dự báo vào 2020 nhu cầu cả nước sẽ là 300.000 xe/năm.
Nếu ngành công nghiệp ôtô trong nước không phát triển, không đáp ứng được, theo tính toán mỗi năm sẽ phải bỏ ra cả chục tỷ USD để nhập khẩu ôtô. Như vậy, sẽ khó có thể ngăn chặn nhập siêu từ những ngành công nghiệp quan trọng này.
Theo INFOTV