|
Thế kỷ 21 được coi là "thế
kỷ của đại dương". Với lợi thế là một quốc gia ven biển, nằm trên tuyến
vận tải biển quốc tế sôi động nhất của khu vực và thế giới, nước ta có điều
kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển, dịch vụ
vận tải biển, làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội quốc gia một cách bền
vững.
Hội nghị lần thứ tư BCH T.Ư
khóa X đã ra Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu
phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm
vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan
trọng trong sự nghiệp CNH, HÐH. Trong đó, xác định rõ: Ðến năm 2020, phát triển
thành công, có bước đột phá về kinh tế biển, ven biển với kinh tế hàng hải đứng
thứ hai trong các ngành kinh tế biển (sau khai thác và chế biến dầu khí) và sau
năm 2020, kinh tế hàng hải sẽ đứng đầu trong các ngành kinh tế biển. Như vậy,
phát triển kinh tế hàng hải đã được Ðảng và Nhà nước xem là khâu đột phá trong
phát triển kinh tế biển nói riêng và trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước
nói chung trong giai đoạn tới. Ðể thực hiện thành công các Nghị quyết của Ðảng,
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã và đang chỉ đạo tập trung phát triển kết cấu hạ
tầng cảng biển theo đúng định hướng quy hoạch, tập trung, không dàn trải; tổ
chức quản lý hạ tầng cảng biển đồng bộ, hiện đại; phát triển dịch vụ logistic,
hạ tầng ngành hàng hải, góp phần khẳng định và giữ vững chủ quyền, quyền chủ
quyền biển, đảo quốc gia,...
Quá trình thực hiện quy hoạch
hệ thống cảng biển quốc gia vừa qua đã đạt được những thành tựu nhất định,
nhưng cũng xuất hiện một số bất cập cần điều chỉnh, cập nhật phù hợp tình hình
mới. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển
Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, vào năm
2015, hệ thống cảng biển quốc gia cần đáp ứng lưu lượng hàng hóa thông qua 500
- 600 triệu tấn/năm, khoảng một tỷ tấn/năm vào năm 2020 và 1,6 - 2,1 tỷ tấn/năm
vào năm 2030. Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết sáu nhóm cảng
biển trong hệ thống cảng biển Việt Nam, gồm 39 cảng biển; trong đó, có ba cảng
biển loại 1A (cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, hai cảng cửa ngõ quốc tế Hải
Phòng và cảng Cái Mép - Thị Vải), 11 cảng loại 1,...
Nếu cùng nhìn nhận nghiêm túc
và có định lượng, trong những năm qua, ngân sách Nhà nước tuy được đầu tư tập
trung vào cơ sở hạ tầng cảng biển dùng chung (luồng tàu, đê chắn sóng), chỉ xây
dựng một số bến cảng mang tính chất thu hút tại các khu vực trọng yếu của nền
kinh tế, nhưng mức độ hấp dẫn để thực hiện xã hội hóa chưa cao. Những hạng mục
đầu tư trước năm 2010 mới cơ bản đáp ứng nhu cầu thiết yếu, chưa xác định rõ ràng
và thực hiện thành công khâu đột phá đưa nước ta trở thành một trong những
trung tâm hàng hải của khu vực. Nguồn vốn ngân sách do Bộ GTVT quản lý trong
thời gian tới sẽ chỉ tập trung vào các dự án trọng điểm, có tính bản lề, hình
thành các cảng nước sâu, có khả năng thực hiện chức năng vận tải trên các tuyến
biển xa, thực hiện vai trò trung chuyển quốc tế. Dự án cảng trung chuyển quốc
tế Vân Phong hiện đang giao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, trên
quan điểm kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài có thực lực, kinh
nghiệm để bảo đảm tính khả thi. Ngoài ra, sẽ tiếp tục hoàn chỉnh một số dự án
cải tạo, nâng cấp luồng tàu, hạ tầng hàng hải để khai thác ổn định, hiệu quả,
đồng bộ với kết cấu hạ tầng cảng biển tại các khu vực có nhu cầu cấp thiết.
Ðể phát triển và khai thác hiệu
quả cơ sở hạ tầng cảng biển, có tính liên hoàn, đồng bộ và hiệu quả của tổng
thể mạng lưới giao thông vận tải quốc gia, việc phát triển kết cấu hạ tầng kết
nối cảng biển là một trong các yếu tố then chốt. Bên cạnh đầu tư xây dựng các
cảng biển cho tàu trọng tải lớn, hiện đại mang tầm quốc tế, theo chỉ đạo của
Thủ tướng và Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đang triển khai nghiên cứu mô hình
quản lý cảng biển đồng bộ và thống nhất, ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý hiện
đại nhằm phát triển các cảng mới tập trung, đủ tiềm lực để trở thành cảng biển
lớn tầm cỡ khu vực, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển hàng hóa
trong khu vực. Ðể các cảng trung chuyển quốc tế, cảng cửa ngõ quốc tế phát huy
hiệu quả tối đa, không những đòi hỏi hậu phương hàng hóa dồi dào, hạ tầng kết
nối đồng bộ mà còn rất cần những giải pháp, chính sách để thu hút thành công
lượng hàng công-ten-nơ trung chuyển của khu vực, thu hút các tập đoàn vận tải
biển lớn cùng tham gia, đầu tư khai thác phát triển chuỗi dịch vụ logistic để
có thể thích hợp các trung tâm dịch vụ vận tải Việt Nam vào chuỗi dịch vụ toàn
cầu. Nước ta có lợi thế lớn để trở thành đầu mối logistic trong khu vực nhưng
cũng đang đứng trước những thách thức lớn do hạ tầng cơ sở logistic nghèo nàn;
khung chính sách chưa đầy đủ, chưa phù hợp; đội tàu công-ten-nơ còn yếu,...
Với mục tiêu phát triển kinh tế
hàng hải trở thành ngành kinh tế đứng đầu trong năm ngành kinh tế biển, Bộ GTVT
xác định không chỉ giới hạn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, mà
phải tiếp tục đầu tư hiện đại hóa đội tàu biển Việt Nam, nhất là đội tàu
công-ten-nơ, đồng thời xây dựng chiến lược cũng như khung chính sách phù hợp,
tạo điều kiện để cho dịch vụ logistic phát triển một cách mạnh mẽ. Chiến lược
biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 đã xác định rõ việc phát triển kinh tế
biển gắn liền với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo và xây dựng thế trận quốc
phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Thời gian qua, cùng với việc
phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, ngành GTVT đã và đang triển khai phát
triển đồng bộ các hạ tầng hỗ trợ hoạt động dịch vụ cảng biển, vận tải biển bảo
đảm thực hiện đầy đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất theo quy định các Công ước
quốc tế về biển và hàng hải mà nước ta là thành viên. Ngoài ra, phối hợp các
bộ, ngành liên quan đấu tranh, đàm phán thành công với Tổ chức COSPAS-SARSAT và
các quốc gia lân cận về vùng trách nhiệm MCC của Việt Nam. Ðồng thời, đẩy mạnh
quan hệ hợp tác các tổ chức hàng hải và các nước nhằm tạo sự hỗ trợ về kỹ
thuật, vốn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải và đào tạo nguồn nhân
lực phục vụ phát triển ngành. Bộ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các hệ thống công nghệ
thông tin hỗ trợ hoạt động kinh tế trên biển nhằm xác định cụ thể và dân sự hóa
các vùng biển quốc gia; tham gia hiệu quả hoạt động của Tổ chức Hàng hải quốc
tế, các tổ chức quốc tế liên quan khác mà Việt Nam là thành viên; xây dựng và
triển khai thực hiện chương trình cụ thể nhằm đến năm 2015, Việt Nam trở thành
thành viên Hội đồng IMO (nhóm C). Góp phần thiết thực nâng cao vị thế quốc gia
trên trường quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, khẳng định chủ quyền trên các vùng
biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những mục tiêu, định hướng
phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển nói riêng và ngành hàng hải Việt Nam nói
chung, trách nhiệm và khối lượng công việc của Bộ GTVT, ngành hàng hải trong
thời gian tới rất lớn. Ngoài nỗ lực và quyết tâm của ngành, rất cần sự quan
tâm, chỉ đạo sát sao của Ðảng, Chính phủ và phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các
bộ, ngành liên quan, nhằm mục tiêu phát triển mạnh mẽ kinh tế hàng hải, góp
phần thiết thực đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển
theo đúng mục tiêu được đề ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Theo BaoMoi
|