Nhiều nhóm hàng như dệt may, da giày, gạo sẽ cùng gặp khó
khăn về thị trường và giá khi xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu
ước đạt gần 87,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ. Có 23 nhóm/mặt hàng có kim
ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 nhóm/mặt hàng có kim ngạch xuất
khẩu trên 5 tỷ USD, gồm dệt may, dầu thô, điện thoại các loại và linh kiện,
giầy dép, thủy sản...
Tuy nhiên, càng về cuối năm 2011 ở đa số các ngành hàng đã
biểu hiện những khó khăn và báo hiệu khó khăn cho cả năm 2012 .
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành dệt may gần đây có xu
hướng giảm dần sản lượng. Nguyên nhân do giá nhân công và chi phí đầu vào tăng
vì không chủ động được nguồn nguyên liệu. Cạnh đó, do chưa thực sự chú trọng
đầu tư nhiều cho khâu thiết kế, kiểm soát hàng kém chất lượng.
Xuất khẩu da giày sẽ gặp khó năm 2012
Đồng thời, xuất khẩu dệt may cũng chịu tác động mạnh của
chính sách thặt chặt tiền tệ của Mỹ sau khi gỡ bỏ trần nợ công và kinh tế chưa
có dấu hiệu khởi sắc. Và, ảnh hưởng từ sự tiết kiệm tiêu dùng tại Nhật Bản và
khủng hoảng nợ công đang có dấu hiệu lan rộng tại châu Âu.
Hệ quả đầu tiên là một số doanh nghiệp tư nhân và doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất áo sơ mi và quần âu đã bị huỷ hợp
đồng, thậm chí không ký được đơn hàng cho quý I/2012.
Cùng cảnh ngộ, tình hình ngành da giầy tuy có khả quan hơn
các ngành khác, nhưng sản lượng trong từng đơn hàng xuất khẩu vào EU bắt đầu
giảm sút, mức giảm khoảng 20-30%, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế tại các nước
này.
Và, EU vẫn áp đặt 1 năm giám sát xuất khẩu da giầy của Việt
Nam trong trường hợp lượng xuất khẩu tăng, giá xuất khẩu giảm trong 1 thời gian
nhất định thì cơ quan có thẩm quyền của EU có thể xem xét việc tái áp thuế mà
không cần điều tra.
Đây là một bất lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khi phải
cạnh tranh với các doanh nghiệp da giầy của Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh,
Ấn Độ đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan.
Vì thế, rủi ro cao đối với các doanh nghiệp da giầy Việt Nam
khi vừa phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất (khoảng 80%) vừa phụ thuộc vào
thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc.
Đặc biệt, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay là
lúa gạo đang đối mặt với mặt với việc thiếu đơn hàng trầm trọng, sự cạnh tranh
gay gắt về giá cả từ các nước xuất khẩu gạo khác (hiện giá gạo Việt Nam cao hơn
khoảng 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ, Pakistan, Myanmar), và áp lực về chất
lượng gạo thương phẩm không cao, thiếu sản phẩm đặc trưng. Thực tế, các nước
châu Phi và một số nước Trung Đông đã quay sang mua gạo trắng của các nước khác
thay vì mua của Việt Nam như trước đây.
Phải chủ động vượt khó
Trước những khó khăn nhãn tiền của thị trường xuất khẩu trong
năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khuyến cáo rằng, bên cạnh sự
chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự phối kết hợp giữa các Bộ, ngành trong việc
xúc tiến thương mại và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp sản
xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong các nhóm hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp
cũng cần chủ động vượt khó tuỳ theo từng nhóm hàng, ngành hàng để có tư vấn,
tham mưu và đề xuất giải pháp và ứng phó linh hoạt trong thực tiễn thương mại
xuất khẩu.
Như vậy, các giải pháp phải hướng đến duy trì thị trường
truyền thống, bạn hàng truyền thống và mở rộng thị trường mới. Đồng thời phải
tận dụng, phát huy cao độ những thế mạnh đặc trưng của ta để chớp thời cơ, nếu
có.
Ngoài việc hướng đến các thị trường lớn, vươn xa, Thứ trưởng
Nguyễn Cẩm Tú lưu ý các doanh nghiệp khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng mậu dịch
biên giới. Bởi kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng của năm 2011 đã đạt gần 6,4 tỷ
USD; trong đó, xuất khẩu đạt 3,1 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, mậu dịch biên giới là kênh
quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu hàng hóa, nhất là với
hàng hóa sản xuất trong nước có chất lượng không đòi hỏi quá cao.
Hiện các thị trường lân cận Việt Nam như Lào, Campuchia,
Trung Quốc đang đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy
nhiên thời gian qua, Việt Nam chưa xây dựng được chính sách đặc thù cũng như
chưa tận dụng được hết tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này.
Còn đại diện Sở Công Thương Hà Nội và TP HCM đều cho rằng, để
thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cả nội địa và xuất khẩu, Nhà nước cần có cơ chế
tác động để các ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi lãi suất, ưu tiên vay
vốn cho một số doanh nghiệp sau đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất
các mặt hàng chủ lực, các doanh nghiệp xuất khẩu.
Đặc biệt là cần xem xét hạ thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức
28% như hiện nay xuống khoảng 20%, nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài
chính đầu tư cho sản xuất kinh doanh trong năm 2012, góp phần “tăng lực” cho
xuất khẩu./.
Theo INFOTV