Hơn 10 tháng trước, trong phòng chờ chuyến bay Hà Nội -
Tp.HCM hôm 22/2, người viết bài này tình cờ gặp một vị chuyên gia kinh tế,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
Khoảng một giờ trước đó, ông có mặt tại cuộc tham vấn của người
đứng đầu Chính phủ với Hội đồng này và một số chuyên gia kinh tế khác.
Ấn tượng nhất tại đây, được ông chia sẻ là, sau khi nghe ý kiến
của các chuyên gia, phát biểu kết thúc của Thủ tướng không đề cập đến “tăng trưởng”
một lần nào, mà đồng tình với nhiều giải pháp mạnh để kiềm chế lạm phát, ổn định
kinh tế vĩ mô.
Hơn một ngày sau (ngày 24/2), Nghị quyết 11 về những giải
pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ được ban hành, với hàng loạt
con số và biện pháp được coi là “cứng rắn” để điều hành chính sách tài khóa, tiền
tệ chặt chẽ nhưng linh hoạt, cắt giảm mạnh đầu tư công…
Vào một ngày trong tháng cuối cùng của năm nay, khi cả những
điều hay và chưa hay của nghị quyết này đã được kiểm chứng bằng một thời gian
kha khá, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nay là thành viên Hội
đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đã "bật mí" thêm
đôi điều.
Dẫn dắt câu chuyện từ cuộc họp của Chính phủ có nội
dung xem xét điều chỉnh tỷ giá tới 9,3% vào giữa tháng hai năm nay, ông Tuyển
nói rằng khi đó Thủ tướng, các phó thủ tướng và các vị bộ trưởng trong lĩnh vực
kinh tế đều ủng hộ việc điều chỉnh tỷ giá.
Cá nhân ông không phản đối nhưng bày tỏ thái độ băn khoăn, vì
nếu chỉ điều chỉnh tỷ giá thì không giải quyết được vấn đề bất ổn vĩ mô đang được
đẩy đến cao trào.
Sau đó, diễn biến trên thị trường càng chứng tỏ đây là phản ứng
chính sách không hợp lý, và ông tự coi mình là "tòng phạm".
"Tôi viết một bức thư cho Thủ tướng, ở đó tôi nói là điều
chỉnh tỷ giá không những không đem lại hiệu quả mà ngược lại còn làm thị trường
phức tạp hơn và đề nghị có giải pháp thật sự đồng bộ, bao gồm cả chính sách tiền
tệ nói chung (lãi suất, tín dụng và tỷ giá chứ không chỉ có tỷ giá) rồi cả
chính sách tài khóa như cắt giảm đầu tư công...", ông Tuyển kể tiếp.
Cũng vẫn theo lời kể của ông thì sau đó, Thủ tướng cũng thấy tình
hình và giao cho Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng dự thảo nghị
quyết của Chính phủ về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô.
"Khi anh Phượng đưa tôi xem thì tôi bảo đề nghị Thủ tướng
mời các chuyên gia để nghe các anh góp ý, và sau đó nghị quyết đã được ban
hành".
Nhìn nhận vẫn còn có hai điểm "chưa hay lắm", song,
ông Tuyển nhấn mạnh rằng nhìn chung đây là nghị quyết tốt, được các chuyên gia
kinh tế trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Tán thành với nhận định của ông Tuyển là nhờ Nghị quyết 11 mà
kinh tế vĩ mô được cải thiện, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn
chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cũng là người có mặt tại cuộc tham vấn
mang tính quyết định cho sự ra đời của Nghị quyết 11, cho rằng, nếu nhìn lại thời
điểm tháng 2/2011 thì tình hình kinh tế đã sáng hơn.
"Điểm sáng quan trọng nhất là đã tập trung mọi giải pháp
để giải quyết bộ ba lạm phát - tỷ giá - lãi suất", ông nói với VnEconomy.
Điểm sáng thứ hai, ông Lịch đặc biệt nhấn mạnh rằng rất quan
trọng. Đó là chưa bao giờ có sự đồng thuận rất cao trong cả hệ thống chính trị
về quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế như thời điểm hiện tại.
Đây cũng lại là một vấn đề mang đậm dấu ấn của các
nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế, theo ghi nhận của người viết, song xin
được đề cập sâu hơn tại bài viết khác.
Quay trở lại Nghị quyết 11, ở các đánh giá dù trong hay ngoài
diễn đàn chính thức, đây vẫn là điểm sáng cực kỳ quan trọng trong điều hành
kinh tế của năm nay, khi bất ổn vĩ mô được đánh giá là trầm trọng hơn và lạm
phát đã trở nên nhức nhối hơn bất cứ lúc nào.
Và, các thông tin nhiều chiều đều ghi nhận, từng câu chữ tại
đây đều mang đậm dấu ấn về sự đồng lòng của các chuyên gia kinh tế, đội ngũ được
chính một số người trong cuộc gọi vui là “dàn đồng ca”.
Sự “tự trào” này cũng có lý do của nó. Bởi, như Viện trưởng
Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên, tại một diễn đàn về kinh tế vĩ mô hồi
cuối tháng 9/2011 đã “than thở” rằng: năm nay đội đồng ca phản biện chính sách
được mời liên tục. Đi nhiều có cái hay nhưng chứng tỏ tình hình có vấn đề.
Nhận định này đã nhận được sự chia sẻ của nhiều tên tuổi đã
trở nên quen thuộc tại các cuộc tham vấn, không chỉ cho các cơ quan hành pháp.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý
kinh tế Trung ương nhận xét rằng, sự đồng lòng của các chuyên gia tại các cuộc
tham vấn và nhiều diễn đàn khác rất cao, chưa bao giờ có được như năm nay.
"Anh em được mời tham vấn cho Chính phủ đều hiểu nhau,
suy nghĩ, đề xuất đều rất “chụm”, nên gửi gắm qua nhiều kênh nhưng thông điệp
mang tính thống nhất cao, đó là điều rất đáng mừng", ông Thành nói.
Tuy nhiên, điều còn băn khoăn là cơ chế phối hợp nào để hiệu
quả tham vấn cao hơn, thì ông Thành “chưa nghĩ ra”.
Thời điểm những băn khoăn này được bộc bạch cũng chính là lúc
mật độ các cuộc tham vấn chuyên gia khá dày đặc. Bởi hàng loạt các báo cáo, kế
hoạch về kinh tế xã hội của năm nay, năm sau và cả giai đoạn từ nay đến 2015
đang được gấp rút hoàn thành để chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
Còn nhớ, trước thềm kỳ họp Quốc hội thứ hai, khi Ủy
ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về kế hoạch 5 tới, trước “chất vấn” tại sao
Chính phủ trình chỉ tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn mức đã được Đại hội Đảng 11
thông qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, một trong
những lý do để có quyết định đó là lắng nghe và tiếp thu ý kiến chuyên gia kinh
tế trong và ngoài nước.
“Thủ tướng lúc đầu cũng quyết là chỉ có bám theo
chỉ tiêu của Đại hội, nhưng sau khi nghe ý kiến nhiều chuyên gia trong nước, quốc
tế và phân tích thực tế, nếu không nhìn thẳng vào tình hình để điều chỉnh thì kịch
bản điều hành chắc chắn là bị động” ông Vinh nói.
Dấu ấn chuyên gia ở câu chuyện hạ chỉ tiêu này
cũng được một vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng kể lại cặn kẽ hơn. Theo vị chuyên
gia này thì người đứng đầu Chính phủ đã “thấy vấn đề” khi trăn trở với câu hỏi
tại sao lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều nước khác?
Cảm nhận của ông qua hai ngày thảo luận của Chính
phủ về kế hoạch 2011 - 2015 là đa số các thành viên vẫn bị “ám ảnh rất chính
đáng” là thể hiện trách nhiệm chính trị, khi chỉ tiêu tăng trưởng vừa được Đại
hội Đảng thông qua.
"Anh Ba (Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng - PV) rất băn khoăn nên lại trao đổi với tôi và mời tham vấn
chuyên gia ở quy mô hẹp để có thời gian nghe được nhiều hơn, sâu hơn, và đa số
ý kiến đề nghị chỉ nên để ở mức 6%", ông kể tiếp.
Rồi ông tâm tư, nói thật là bây giờ thích nghỉ
ngơi, định xin thôi không làm tư vấn nữa, nhưng Thủ tướng vẫn yêu cầu….
Tư vấn chính sách, đương nhiên không phải là công
việc nhàn nhã.
Một vị tiến sỹ kinh tế ở Tp.HCM kể rằng, có tuần
ông nhận được lời mời đến ba cuộc tham vấn, và không phải vấn đề nào cũng có thể
chuẩn bị như mình mong muốn.
Song, để cho các vị lãnh đạo mới có thể tiếp cận
những vấn đề của nền kinh tế hệ thống hơn, nhiều chiều hơn những thông tin được
đưa ra tại cuộc gặp gỡ, bên cạnh các phát biểu, ông thường chuẩn bị các bài viết
sâu về các vấn đề của kinh tế vĩ mô để gửi đến các vị.
Hay, khi tham gia ý kiến về kế hoạch 5 năm tới,
ông đã phân tích cả quá trình thực hiện 4 kế hoạch 5 năm từ khi đổi mới, để đưa
ra nhiều đề xuất mới về giải pháp cho 5 năm tiếp theo.
Cũng như nhiều vị khác, ông tâm sự, niềm vui lớn
nhất của các chuyên gia kinh tế độc lập là kết quả nghiên cứu, những đề xuất
tâm huyết được lắng nghe, tiếp thu.
"Khi nào kinh tế khó khăn thì chúng tôi
"đắt khách", nhưng tôi không mong "đắt" theo cách đó",
vị chuyên gia này tâm tư.
Theo VnEconomy