Do tình
hình kinh doanh trong năm 2012 được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn nên nhiều
doanh nghiệp đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh trong năm tới theo hướng củng cố
thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các doanh
nghiệp gỗ đã vạch ra những bước đi cụ thể trong năm 2012 nhằm khai thác tốt hơn
thị trường nội địa, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn nâng giá trị xuất khẩu của các
sản phẩm xuất khẩu.
Ông Trần
Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ TPHCM (Hawa)
cho biết, một số doanh nghiệp hội viên đang tích cực vận động hợp tác thành lập
kho ngoại quan cho ngành gỗ ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như
Mỹ và EU.
“Lợi thế
của ngành gỗ của Việt Nam là sản xuất và cung ứng thành phẩm ra thị trường nước
ngoài. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành gỗ hoàn toàn có thể đạt giá trị gia
tăng cao hơn khi trực tiếp thương mại hóa sản phẩm của mình làm ra ở quốc gia
nhập khẩu. Đó là lý do chúng tôi đang đẩy nhanh thành lập các kho ngoại quan ở
nước ngoài”, ông Mạnh nói.
Ông Mạnh
phân tích nếu mở được kho ngoại quan ở nước ngoài, doanh nghiệp có thể bán sản
phẩm trực tiếp cho những hệ thống bán lẻ ở các quốc gia sở tại, và giá trị sản
phẩm gỗ xuất khẩu của họ sẽ nâng lên ít nhất 30% do không phải bán qua các khâu
trung gian.
Những tín
hiệu khả quan của ngành gỗ ở thị trường nội địa cũng là động lực để các doanh
nghiệp tiếp tục mở rộng thị phần trong nước. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) cho biết, theo một kết quả khảo
sát mới nhất của Vietforest, tại thị trường Hà Nội, hơn 80% các sản phẩm đồ gỗ
tiêu thụ là do các doanh nghiệp trong nước cung cấp, chỉ có 20% là các sản phẩm
gỗ nhập khẩu.
Ông Quyền
cho biết người tiêu dùng vẫn ưu tiên dùng các sản phẩm gỗ nội địa vì giá rẻ
hơn. Thị trường đồ gỗ tại Việt Nam với 86 triệu dân vẫn còn nhiều tiềm năng để
doanh nghiệp trong nước khai thác.
Ông
Nguyễn Đăng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang
Minh (Bidrico) cho biết, năm 2011 là năm mà doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều
khó khăn nhất trong những năm qua. Hệ lụy của việc này là doanh nghiệp phải
giải bài toán sức tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh và không thể tăng giá trong bối
cảnh sức mua đang xuống thấp.
Khó khăn
chồng chất hơn, khi hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho ngành sản xuất nước
giải khát, lương công nhân, chi phí bán hàng trong năm 2011 đều tăng mạnh so
với năm 2010. Vì vậy, Ông Hiến nói năm 2012, ưu tiên của Bidrico vẫn là “phòng
thủ”, không mở rộng kinh doanh mà chăm chút hơn cho khách hàng, đối tác để duy
trì mức tăng trưởng ổn định của công ty.
“Chúng
tôi sẽ ưu tiên chăm sóc hệ thống phân phối nhiều hơn nhằm duy trì sức mua ở thị
trường nội địa”, ông Hiến nói. Cụ thể, Bidrico sẽ bán hàng cho các đại lý với
mức chiết khấu tốt hơn, cùng chia sẻ những khó khăn cho các nhà phân phối trong
bối cảnh sức mua đang giảm sút.
Bidrico
sẽ đưa ra những chính sách giá cả linh hoạt hơn cho từng khu vực và phân khúc
tiêu thụ thông qua các đại lý phân phối với mục tiêu lấy những thị trường có
sức tiêu thụ tốt nhằm bù đắp cho những thị trường có sức mua yếu trong năm qua.
Ngoài ra, công ty cũng phải tận dụng mức tăng trưởng khá tốt của thị trường
xuất khẩu để bù đắp cho thị trường nội địa.
Theo
Bidrico, mức lợi nhuận từ các sản phẩm xuất khẩu của công ty cao hơn từ 10-12%
so với thị trường nội địa. Hiện doanh thu sản phẩm của Bidrico xuất khẩu sang
16 quốc gia, vùng lãnh thổ đóng góp hơn 20% trong tổng doanh thu mỗi năm.
Bidrico sẽ tiếp tục đầu tư cho các thị trường, khu vực ít bị ảnh hưởng bởi khó
khăn toàn cầu như Trung Đông, Lào, Myamar và Campuchia.
Năm 2012,
các doanh nghiệp kỳ vọng nhiều vào các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô của
Chính phủ trong việc giảm lạm phát, đưa mức lãi suất về tỷ lệ phù hợp nhằm tạo
điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Bởi theo họ, nếu lạm
phát giảm, sức mua của người tiêu dùng tăng lên, doanh nghiệp mới có cơ hội bán
hàng và duy trì ổn định việc sản xuất kinh doanh vốn đã ít nhiều ngưng trệ
trong năm 2011.
Theo TheSaiGonTimes