|
Trước thực tế Mỹ, Nhật Bản và các cường
quốc châu Âu tỏ ra không thể tự đưa các nền kinh tế tư bản ra khỏi cuộc
khủng hoảng tài chính - kinh tế, quay sang yêu cầu Nhóm G20 và Nhóm các nền
kinh tế mới nổi (BRICS) giúp đỡ, cho thấy vai trò quan trọng của BRICS trong
việc tham gia giải cứu và khắc phục những hậu quả cuộc khủng hoảng ngày một
nghiêm trọng và ảnh hưởng tới hàng loạt quốc gia khác trên thế giới.
Nhiều nhà hoạch định chính sách đang có chủ
trương mở rộng "làm ăn" với các nước trong Nhóm BRICS. Bởi trên thực
tế, năm nước này là những quốc gia đông dân, có tiềm năng phát triển lớn
và trong những năm gần đây có mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục. Trung Quốc,
năm 2010 đã vượt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Năm
nay, Bra-xin đã vươn lên chiếm vị trí nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế
giới, đẩy Anh tụt xuống vị trí thứ bảy. Bộ trưởng Tài chính Bra-xin cho biết,
Bra-xin phấn đấu "tước" vị trí thứ năm của Pháp vào năm 2015.
Nga và Ấn Ðộ đã bước vào "tốp" mười nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà lãnh đạo Khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong Liên
hiệp châu Âu (EU) đã đề nghị Trung Quốc, một trong những nước sáng lập Nhóm
BRICS cho vay tài chính giúp các nước này giải quyết gánh nợ công khổng lồ.
Khi phân tích những nguyên nhân thành công
của nền kinh tế Bra-xin, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh
(CEBR) nêu rõ, một trong những thành công giúp nền kinh tế Bra-xin tiến lên vị
trí thứ sáu chủ yếu nhờ xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Á trong năm qua tăng
mạnh. Sau chuyến thăm Bra-xin đầu tháng 12-2011, Giám đốc điều hành Quỹ
Tiền tệ quốc tế (IMF) Cri-xtin La-gác-đơ đánh giá, nền kinh tế của Bra-xin vẫn
đứng vững bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của cuộc khủng
hoảng nợ công ở châu Âu. Bra-xin cũng đã đạt được thành tựu nổi bật trong chiến
dịch xóa giảm đói nghèo và bất bình đẳng. Lý do chủ yếu là chính quyền nước này
có các chính sách kinh tế hiệu quả, cụ thể là: Những chính sách kinh tế vĩ mô
vững chắc, các biện pháp kiềm chế lạm phát hiệu quả cũng như khả năng duy trì
tình trạng tài chính tốt trong bối cảnh khó khăn trên toàn cầu.
Chính sách kinh tế, xã hội tiến bộ của Chính phủ
do Tổng thống Lu-la đa Xin-va đứng đầu đã mang lại nhiều đổi thay rõ rệt ở
"Tiểu lục địa" Nam Mỹ này. Lên nắm quyền, Tổng thống mới, bà Ðin-ma
Rút-xép tiếp tục thực hiện đường hướng do người tiền nhiệm đưa ra, đồng thời đã
và đang triển khai những biện pháp mới, thúc đẩy công cuộc cải cách kinh
tế và xã hội. Mức tăng trưởng kinh tế của Bra-xin đạt mức 7,5% trong năm 2010.
Trong quý II năm 2011, GDP của quốc gia Nam Mỹ này tăng 0,8% so với quý trước
đó.
Nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của tình trạng suy thoái
kinh tế toàn cầu đang lan rộng, Chính phủ Bra-xin mới đây đã công bố một
gói các biện pháp kích thích nền kinh tế và tiêu dùng trong nước, như sẽ giảm
thuế các giao dịch tài chính và tín dụng tiêu dùng từ 3,0% xuống còn 2,5%, cắt
giảm thuế đối với các giao dịch trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Trước
đó, Tổng thống Ðin-ma Rút-xép ban hành các sáng kiến hỗ trợ ngành công nghiệp
trong nước, đã cấp khoản tài chính 25 tỷ real (16 tỷ USD) cho ngành công
nghiệp, miễn thuế trong hai năm cho một số ngành sản xuất như da giày, phần
mềm, quần áo, đồ nội thất... Ngày 30-11, Ngân hàng trung ương Bra-xin đã cắt
giảm 0,5% lãi suất cơ bản xuống còn 11% , một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Kế
hoạch này được biết với tên gọi "Bra-xin lớn mạnh hơn". Kể từ năm 2008,
khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát, đồng real của Bra-xin đã tăng
gần 40% so với đồng USD, là đồng tiền tăng giá mạnh nhất trên thế giới.
Cùng với những chính sách khuyến khích phát triển
kinh tế, Chính phủ Bra-xin chú trọng cải thiện điều kiện sống của nhân dân,
truy quét và trừng trị các băng nhóm buôn bán ma túy và tội phạm. Bra-xin được
Chương trình Lương thực của LHQ (WFP) đánh giá là quốc gia có nhiều kinh nghiệm
và thành công nhất trên thế giới trong việc chống đói và suy dinh dưỡng trong
trẻ em. Từ tháng 11-2011, WFP phối hợp với Chính phủ Bra-xin triển khai
sáng kiến mới - giúp các nước thực hiện chương trình "Bữa ăn học
đường" nhằm nâng cao dinh dưỡng và giáo dục cho trẻ em tại các nước chậm
phát triển.
Vinh dự được đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng
đá thế giới 2014 (World Cup 2014), Bra-xin đang gấp rút xây dựng và nâng cấp
các sân bóng đá, sân bay, đường giao thông, cơ sở viễn thông... để phục vụ giải
này. Hồi tháng 11-2011, Chính phủ Bra-xin đã quyết định chi thêm 17,7 tỷ USD
nhằm nâng cấp hệ thống giao thông công cộng tại 12 thành phố sẽ diễn ra các
trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2014. Những dự án đầu tiên trong chương
trình này là các tuyến tàu điện ngầm tại các thành phố Cu-ri-ti-ba, Poóc-tô
A-lê-grê, Bê-lô Hô-ri-dôn-tê, Rê-xi-phê và Phoóc-ta-lê-xa. Như vậy, cường quốc
bóng đá này đã quyết định đầu tư khoảng 29,4 tỷ USD vào hạ tầng cơ sở phục vụ
World Cup 2014.
Theo BaoMoi
|