Trải qua năm 2011 không yên ả, 17 nước thành viên khu vực đồng
euro (Eurozone) sẽ bước vào năm 2012 với những trở ngại lớn trong việc giải quyết
cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng xấu đi, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực
có nguy cơ rơi trở lại suy thoái.
Trong quý I/2012, Italy sẽ phải vay mượn thêm để thanh toán
72 tỷ euro (94 tỷ USD) nợ và tiền lãi, trong khi Tây Ban Nha dự kiến phát hành
25 tỷ euro (33 tỷ USD) trái phiếu.
Các đợt phát hành trái phiếu của hai nước có thể sẽ được tiến
hành ngay từ tuần thứ hai của tháng 1/2012. Nếu các đợt phát hành trái phiếu này
diễn ra suôn sẻ, với các mức lãi suất có thể chấp nhận được, những lo ngại về
cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone có thể sẽ dịu bớt.
Ngược lại, việc chi phí vay mượn vẫn ở mức cao sẽ gây lo ngại
về nguy cơ vỡ nợ công, điều sẽ làm tê liệt hệ thống ngân hàng, nhấn chìm các nền
kinh tế và trong trường hợp xấu nhất, có thể khiến liên minh tiền tệ gồm 17
thành viên tan rã.
Theo nhà phân tích Jane Foley ở Rabobank, nếu Italy đấu giá
thành công số nợ trên 300 tỷ euro (392 tỷ USD) đáo hạn trong năm 2012 sẽ là một
tín hiệu đáng mừng, bởi điều mà người ta chú ý nhất lúc này là việc một quốc
gia có thể phát hành trái phiếu trên thị trường mở hay không.
Trong trường hợp ngược lại, quỹ cứu trợ trị giá 500 tỷ euro
(653 tỷ USD) của Eurozone mà một phần đã được cam kết dành cho các nước khác sẽ
khó có thể đáp ứng được nhu cầu tài chính của Italy, ngay cả khi nước này có
thêm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vấn đề của Italy hiện nay là phải
tiến hành những cải cách sâu rộng nhằm thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát chi
tiêu.
Những khó khăn của Italy và Tây Ban Nha có thể còn nhiều
thêm nếu khủng hoảng nợ công đẩy toàn bộ Eurozone vào một cuộc suy thoái. Các
nhà kinh tế của Ernst & Young dự đoán khu vực này sẽ rơi vào suy thoái nhẹ
trong nửa đầu năm tới và tăng trưởng chỉ 0,1% cả năm, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức
10% trong vài năm. Điều này sẽ khiến các chính phủ khó khăn hơn khi thuyết phục
người dân chấp nhận việc cắt giảm hơn nữa trong chi tiêu, lương hưu và lương
công chức, trong khi tăng thuế.
Với Hy Lạp, chưa thể rõ người dân còn chịu được việc thắt
lưng buộc bụng đến bao giờ, khi nền kinh tế sẽ suy thoái năm thứ 4 liên tiếp
trong năm tới. Việc cắt giảm chi tiêu chính là điều Hy Lạp buộc phải chấp nhận
để nhận các khoản cứu trợ nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Nước này đang phải thuyết
phục các nhà tài trợ xóa 50% số nợ để có thể xây dựng lại nền tảng tài chính của
mình
Trong khi đó, ý tưởng về việc phát hành trái phiếu chung
(eurobond) vẫn bị Đức phản đối và cần thời gian để có thể được thực hiện. Bên cạnh
đó, mặc dù có thể in thêm tiền để mua một lượng lớn trái phiếu của Italy và Tây
Ban Nha, song cho đến nay, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn từ chối làm
việc này, do lo ngại sự trợ giúp theo cách này sẽ khiến các chính phủ lơi là
trong việc kiểm soát chi tiêu.
Thay vào đó, ECB tập trung vào việc bơm tiền cho các ngân
hàng để các ngân hàng này tiếp tục cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù vậy, lượng
trái phiếu hạn chế mà ECB đã mua là sự hỗ trợ rất cần thiết cho Tây Ban Nha và
Italy, khi giúp làm giảm chi phí vay mượn của hai nước này
Bên cạnh đó, khoản cho vay dài hạn với lãi suất thấp 489 tỷ
euro (639 tỷ USD) mới đây từ ECB cho các ngân hàng Eurozone cũng là một sự hỗ
trợ cho các nước, khi một số ngân hàng mạnh có thể sử dụng một phần số tiền này
để mua trái phiếu chính phủ.
Nhiệm vụ hiện nay của các bên có liên quan như các chính phủ
Eurozone, Ủy ban châu Âu và ECB là phải thuyết phục các thị trường tài chính rằng
các chính phủ đang nợ nần có thể thanh toán các khoản vay của họ và nên được hưởng
mức lãi suất vay mượn hợp lý.
Lo ngại về nguy cơ vỡ nợ công là nguyên nhân đẩy lãi suất
trái phiếu trên các thị trường tăng lên và thậm chí ngày càng cao hơn đối với
những nước cần vay mượn để thanh toán trái phiếu đáo hạn. Vòng luẩn quẩn này đã
buộc Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải tìm kiếm các khoản cứu trợ từ các nước
khác trong Eurozone và IMF./.
Theo BaoMoi