IMF cảnh báo bất bình đẳng về thu nhập, hưởng thụ thành quả
phát triển đã thành mối đe dọa lớn đối với sự phát triển bền vững châu Á.
Ngày 9/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lên tiếng cảnh báo bất
bình đẳng về thu nhập, về hưởng thụ thành quả phát triển cũng như các cơ hội
kinh tế đã trở thành mối đe dọa lớn đối với sự phát triển bền vững của châu Á.
Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF Anoop Singh
lưu ý rằng, mặc dù tăng trưởng cao ấn tượng trong suốt 30 năm qua, nhưng châu Á
vẫn là châu lục có số người nghèo khổ cao nhất thế giới.
Bất bình đẳng cũng đã tăng lên cùng với tăng trưởng kinh tế.
Bất bình đẳng ở châu Á đã nghiêm trọng hơn so với bất cứ khu vực nào trên thế
giới và đã làm giảm tác động của tăng trưởng kinh tế nhanh đến tiến trình giảm
đói nghèo. Tăng trưởng kinh tế cao đã trở nên ít mang tính phổ quát hơn ở nhiều
nước châu Á.
Thu nhập của 20% dân số nghèo nhất ở Trung Quốc, các nền kinh
tế công nghiệp mới và Nam Á tăng chậm hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân
tính theo đầu người. Nguy cơ này hiện đã đến mức báo động và cần được chú ý
nhiều hơn và nghiêm túc hơn trong các đánh giá kinh tế khu vực châu Á cũng như
trong các đối thoại chính sách với các nền kinh tế châu Á.
Quan chức Liên Hợp Quốc nhấn mạnh trong 3 thập kỷ qua, mặc dù
bất bình đẳng vẫn tăng lên, nhưng ưu tiên hàng đầu của châu Á vẫn là thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế cao. Nhưng hiện tại, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã gây ra
những biến động kinh tế-xã hội khiến hiện trạng này trở thành vấn đề hàng đầu
trong chương trình nghị sự chính sách quốc gia và cả khu vực châu Á.
Hội chứng bất bình đẳng có thể khác nhau ở mỗi nước nhưng nhu
cầu giải quyết đã trở nên cấp thiết đối với châu Á để đạt được tăng trưởng phổ
quát và bền vững.
Ông Singh kêu gọi các nước châu Á thực hiện các chính sách
thiết thực hơn để tái cân bằng bất bình đẳng này trong các nền kinh tế khu vực,
đặc biệt cần dành tỷ lệ cao trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) cho giáo dục
và y tế, đồng thời cũng ưu tiên tăng cường mạng lưới an sinh xã hội khác. Các
cải tổ này là những nhân tố chủ chốt của chiến lược rộng lớn cải tổ tài chính,
lao động, quản lý đất nước… nhằm giảm số hộ gia đình dễ bị tổn thương và tái
cân bằng các lợi ích của tăng trưởng kinh tế nhanh đối với các cộng đồng dân
cư.
Theo INFOTV