Thời điểm cuối năm, khi các ngân hàng trong nước siết chặt
cho vay tiêu dùng vì tín dụng thắt chặt, thì không ít ngân hàng nước ngoài lại
tung ra nhiều sản phẩm cho vay hấp dẫn để chào mời khách.
Nội ra sức "thắt"?
Đang có ý định vay tiền mua ô tô, chị Chung ra Ngân hàng
Sacombank, chi nhánh Kim Liên trên phố Xã Đàn (Hà Nội) để hỏi vay tiêu dùng
nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của ngân hàng. Theo giải thích của nhân viên
tại đây, hiện các chi nhánh của nhà băng này đang xem xét, rà soát lại sổ sách
nên tạm ngừng cho vay từ vài tuần nay, khi nào mới mở cửa cho vay tiêu dùng lại
thì chưa biết. Nói chuyện với một người bạn có chồng làm ngân hàng, chị được
thông tin rằng do thời điểm cuối năm nhiều nhà băng trong nước thắt chặt tín
dụng nên phải đóng cửa cho vay tiêu dùng.
Tương tự chị Chung, vợ chồng chị Ngọc Anh cũng cần vay ngân
hàng một khoản tiền để mua đất. Nhưng vì chưa có nhà, sổ đỏ thế chấp, nên chị
đành hỏi vay ngân hàng dưới hình thức vay tiêu dùng tín chấp từ lương. Liên hệ
với một số ngân hàng thấy không có tín hiệu “đèn xanh”, chị hỏi thì được nhân
viên của một ngân hàng lớn giải thích, với mức lương của chị, thời điểm này chỉ
được vay cao nhất là 3 tháng lương. Thấy con số này quá thấp, chị Ngọc Anh đã dừng
ý định vay tiền ngân hàng.
Nhiều ngân hàng trong nước khác cũng “không dám” cho vay tiêu
dùng thời điểm này, như Ngân hàng An Bình… Với một số ít ngân hàng nội có thể
cho vay thì mức tiền giải ngân cũng rất thấp so với trước kia. Nhiều người để
vay được tiền ngân hàng đã phải tìm đến các giải pháp khác.
Ngoại đua nhau "mở"
Anh Chung sau khi ra phòng giao dịch của Ngân hàng An Bình
trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) hỏi vay tiền để mua ô tô không được, nhân viên
ở đây giải thích thời điểm này nhà băng chỉ cho vay vốn lưu động để kinh doanh
và thế chấp bằng bất động sản. Để vay được tiền, anh Chung định nhờ anh trai
hiện làm chủ một công ty tư nhân đứng ra vay hộ. Trong lúc lo đối phó với với
điều kiện ngặt nghèo của nhà băng thì anh Chung nhận được email từ nhân viên
của khối dịch vụ Ngân hàng bán lẻ và Quản lý tài sản (Retail Banking &
Wealth Management), Ngân hàng HSBC chào mời vay tiêu dùng với nhiều ưu đãi hấp
dẫn.
Trong thư mời của ngân hàng này có nói rõ: “Hiện tình hình lạm phát trong nước
tăng cao, việc giữ tiền mặt là một cách để giảm lạm phát, nên một số ngân hàng
Việt Nam đang thắt chặt tín dụng. Tuy nhiên, HSBC dùng vốn nước ngoài nên vẫn
cung cấp tín dụng”.
Theo đó, ngân hàng ngoại này cung cấp tất cả các gói dịch vụ
cho vay cá nhân như vay tín chấp tiêu dùng, vay trả góp mua ô tô, vay thế chấp
bất động sản, vay thấu chi qua thẻ tín dụng…
Với sản phẩm vay tín chấp tiêu dùng, ngân hàng hỗ trợ vay từ
20 triệu lên tới tối đa 350 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 48 tháng và phương
thức trả lãi, gốc linh hoạt. Còn nếu khách hàng vay trả góp mua ô tô thì chỉ
cần chứng minh thu nhập của 2 vợ chồng tối thiểu 10 triệu đồng/tháng, ngân hàng
sẽ hỗ trợ vay lên tới 70% giá trị chiếc xe định mua (với xe nhập khẩu, mức vay
có thể lên 99%). Thời hạn vay tối đa 60 tháng với mức lãi suất 20,5%/năm.
Một số ngân hàng ngoại khác cũng đang rất chào mời khách hàng
cá nhân cũng như doanh nghiệp vay vốn. Tại ngân hàng ANZ, khách vay mua nhà sẽ
được vay lên tới 100% giá trị bất động sản cần mua, với thời hạn 20 năm, định
kỳ trả lãi suất linh hoạt (1 tháng, 3 tháng, 6 tháng…).
Theo một chuyên gia của SmartFinance, đơn vị chuyên tư vấn,
hỗ trợ các dịch vụ, thông tin tài chính, hiện khách hàng Việt Nam vay tiêu dùng
cá nhân ít tìm đến ngân hàng ngoại mà chủ yếu liên hệ với ngân hàng nội như một
thói quen. Hơn nữa, những người làm việc cho các doanh nghiệp trong nước, thậm
chí liên doanh, dịch vụ trả lương qua tài khoản chủ yếu do ngân hàng nội cung
cấp, nên họ thường tới các nhà băng này để liên hệ vay tiêu dùng, thủ tục chứng
minh thu nhập thuận tiện hơn. Thế nên nhiều người sau khi hỏi vay ngân hàng nội
không được đã vội “tiu nghỉu” và bỏ cuộc, mà không biết đến các dịch vụ tương
tự của ngân hàng ngoại.
Về thủ tục, việc vay tiêu dùng ở các ngân hàng ngoại cũng đơn
giản và nhanh gọn, lãi suất thì tương tự ngân hàng trong nước hoặc chênh lệch
không đáng kể.
Theo nhận định của tiến sĩ Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài
chính cấp cao, nếu nói rằng các ngân hàng ngoại thời điểm này vẫn mở cửa cho
vay là do nguồn vốn của họ dồi dào thì cũng không đúng, bởi họ mở chi nhánh tại
Việt Nam là để huy động, khai thác nguồn vốn từ Việt Nam, chứ không phải để đem
vốn từ nước ngoài vào. Vấn đề quan trọng là họ có chiến lược khai thác tín dụng
tiêu dùng bài bản, lâu đài, nên không rơi vào tình trạng giải ngân vốn vào các
thị trường như bất động sản, chứng khoán nhiều quá, giờ không còn vốn để cho
vay tiêu dùng cá nhân. Do đó việc hiện nay nhiều ngân hàng nội đóng cửa cho vay
trong khi ngân hàng ngoại lại tăng tốc là điều bình thường.
“Tôi nghĩ các ngân hàng nội cần có chiến lược để theo và cạnh
tranh với các ngân hàng ngoại. Chúng ta không bắt buộc thấy người ta làm vậy
rồi mình cũng xoay hướng, đổi chiều. Điều quan trọng là phải đối xử trước vấn
đề đó như thế nào, chiến lược của mình ra sao cho hợp lý. Việc siết chặt tín
dụng cũng không bắt buộc phải siết cho vay tiêu dùng. Bởi tín dụng tiêu dùng là
vấn đề dài hạn chứ không phải là vấn đề nhất thời”, ông Thành nêu quan điểm.
Theo INFOTV