Áp dụng cơ chế một
cửa đối với thủ tục tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh bằng phương tiện điện tử
là giải pháp căn bản để thực hiện cam kết theo Công ước về Tạo thuận
lợi trong giao thông hàng hải quốc tế (FAL) và thực thi các phương án đơn
giản hóa thủ tục hành chính theo các Nghị quyết của Chính phủ theo
kết quả của Đề án 30.
Tham gia Công ước FAL
từ năm 2006, Việt Nam đã có những nỗ̉ lực đáng kể trong việc tạo thuận
lợi trong giao thông vận tải hàng hải quốc tế thông qua việc đơn giản hóa các
quy trình thủ tục liên quan đến tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh.
Thực thi Công ước FAL
Thực hiện Nghị định số
71/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng
hải, các thủ tục cho tàu biển được thực hiện tập trung tại văn phòng
Cảng vụ hàng hải thay vì phải lên tàu làm thủ tục như trước đây.
Trong thời gian vừa qua, Cảng vụ, Biên phòng đã xây dựng phần mềm
phục vụ việc quản lý cũng như làm thủ tục cho các tàu biển ra vào
cảng. Mới đây, ngành Hải quan đã thí điểm “Hệ thống thông quan tàu
biển xuất nhập cảnh”, hay còn gọi là “Hệ thống e-Manifest” tại Cục
Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, các phần
mềm này còn ở dạng riêng lẻ, phục vụ chức năng quản lý của từng
ngành mà chưa có sự kết nối, thống nhất một đầu mối tiếp nhận nên
chưa phát huy được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin
(CNTT).
Ngày 23/3/2011, Thủ
tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 19/2011/QĐ-TTg về việc thí điểm
thực hiện tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và
thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh. Theo đó,
các hồ sơ hải quan của tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh được tiếp
nhận dưới dạng điện tử thông qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục
Hải quan.
Đây là cơ sở pháp lý
quan trọng để ngành Hải quan nói riêng và nước ta nói chung thực hiện
hiệu quả Công ước FAL và cải cách thủ tục hành chính tại các cảng
biển làm tiền đề cho việc áp dụng Cơ chế hải quan một cửa quốc gia
theo Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011 của Thủ tướng Chính
phủ.
Tuy nhiên, dù áp
dụng thủ tục thủ công hay điện tử thì việc tạo thuận lợi cho tàu biển hoạt động
tuyến hàng hải quốc tế khi đến cảng, rời cảng là hết sức cần thiết để hạn chế
tối đa thời gian chờ đợi, giảm thiểu các thủ tục hành chính tại cảng.
Để tạo thuận lợi hơn
nữa, các Bộ, ngành cần rà soát để loại bỏ những thủ tục không cần
thiết, áp dụng mô hình một cửa (Single Window) dựa trên ứng dụng trao đổi
thông tin điện tử EDI (Electronic Data Interchange) giữa các hãng tàu với các
cơ quan quản lý nhà nước tại cảng để nâng cao năng lực quản lý, năng lực
cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động hàng hải và cải cách hiệu
quả hơn thủ tục hành chính tại cảng biển.
Ví dụ, hiện thông tin
liên quan đến quản lý hải quan được trao đổi theo nội dung 7 mẫu quy định
tại Nghị định số 71/2006/NĐ-CP (gồm: Bản khai chung, Bản khai hàng hoá,
Danh sách thuyền viên, Bản khai hành lý thuyền viên, Bản khai các kho vật dụng
trên tàu, và Bản khai hàng hoá nguy hiểm). Khi triển khai Quyết định số
19/2011/QĐ-TTg thì thông tin khai báo của các mẫu khai nói trên sẽ được
thực hiện bằng phương tiện điện tử. Tuy nhiên, các thông tin nêu trên
cũng trùng lắp với các thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước
khác như Cảng vụ, Kiểm dịch và Biên phòng.
Tiếp tục đẩy
mạnh cải cách thủ tục hành chính
Sau hơn 5 năm cải cách
thủ tục hành chính tại các cảng biển, nước ta đã áp dụng hình thức khai
báo tập trung tại văn phòng Cảng vụ, không tổ chức thành Đoàn để lên tàu làm
thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh như trước đây. Việc này đã tạo được những
thuận lợi nhất định cho các hãng tàu, các doanh nghiệp cảng, các đại
lý giao nhận và đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã
giảm được chi phí Logistics một cách đáng kể, nâng cao chất lượng dịch
vụ vận tải hàng hải, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng
biển tăng liên tục lên đến trên 250 triệu tấn trong năm 2010.
Tuy nhiên, vẫn còn
nhiều bất cập tại các cảng biển nước ta. Theo đánh giá của Diễn
đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum 2010), chi phí để thông quan 1
container 20 feet ở cảng biển nước ta lên đến 940 USD, vẫn còn cao hơn
một số nước trong ASEAN (Thái Lan: 795 USD; Malaysia: 450 USD; Singapore:
439 USD). Chi phí Logistics của nước ta cũng còn cao, theo Diễn đàn
Logistics và Dịch vụ cảng biển Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh
tế vào đầu năm 2011 thì tổng chi phí Logistics của Việt Nam chiếm
khoảng 25% GDP (trong đó vận tải chiếm từ 50-60%), so với các nước
đang phát triển khoảng 15-20% GDP.
Tiến tới, để áp dụng
thí điểm thành công thủ tục hải quan một cửa quốc gia theo Quyết định
số 48/QĐ-TTg, đối với khai báo tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh và quá
cảnh có sử dụng phương tiện điện tử thì các cơ quan quản lý nhà nước cần
quan tâm thực hiện một số việc sau.
Trước hết, rà soát lại
các quy định trong Nghị định số 71/2006/NĐ-CP của Chính phủ theo Phương án
đơn giản hóa của Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/11/2010 về việc đơn
giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ
Giao thông vận tải để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến
thủ tục, quy trình tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh theo hướng
giảm thiểu thông tin yêu cầu, thống nhất đầu mối tiếp nhận để tạo
thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp cảng, và nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước, trong đó ưu tiên thực hiện thủ tục một cửa điện tử.
Cùng với đó, xây dựng
các giải pháp CNTT để áp dụng mô hình thủ tục một cửa với mạng thông tin chung,
thống nhất áp dụng chuẩn dữ liệu chung để giúp việc trao đổi thông tin
giữa doanh nghiệp, hãng tàu, cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi và hiệu quả
hơn. Trong đó, giải pháp về xây dựng một Cổng thông tin điện tử cảng biển duy
nhất của quốc gia (Portnet) cần được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đúng mức
để các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng tiến hành xây dựng hệ thống truy cập,
tra cứu, chia sẻ thông tin trên cổng thông tin điện tử này, phục vụ tốt hơn
các yêu cầu quản lý của từng Bộ chuyên ngành.
Đối với công tác
quản lý và khai thác cảng biển, cần quan tâm xây dựng 2 hệ thống
quản lý gồm: (1) Hệ thống quản lý cảng biển (Port Management), trong
đó các quá trình từ điều động Hoa tiêu, tàu lai, bố trí vị trí neo
đậu đến việc làm thủ tục tàu ra vào cảng cần được tin học hóa để
đảm bảo lịch trình tàu ra vào cảng; và (2) Hệ thống quản lý
Logistics (Logistics Management) nhằm đảm bảo việc xếp dỡ, lưu kho, giao
nhận hàng hóa đúng hạn và chính xác. Cả 2 hệ thống này là thành
phần của Cổng thông tin điện tử cảng biển quốc gia
Một nhiệm vụ khác là xây
dựng cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin trên cơ sở sử dụng chung các dữ
liệu thông tin đã tiếp nhận để phục vụ yêu cầu quản lý, tăng cường đối
thoại, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp vận tải,
doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các hiệp hội để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt
động thương mại và vận tải.
Ngoài ra, cần đào tạo
nguồn nhân lực có chất lượng kể cả đối với các tổ chức, cá nhân tham
gia khai báo và đội ngũ công chức công tâm để thực hiện cải cách thủ tục tại
các cảng biển theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Bằng việc áp dụng
cơ chế hải quan một cửa quốc gia, công cuộc cải cách hành chính nói
chung và tại các cảng biển nói riêng sẽ mang lại những kết quả
thiết thực.
Hai lợi ích
căn bản của thủ tục một cửa
Trước hết cần xác định Mô hình một
cửa là một khái niệm (concept) chứ không phải là một hệ thống (system). Do
đó, tùy theo điều kiện mà chúng ta sắp xếp, tổ chức mô hình cho
phù hợp. Mô hình một cửa được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) khái niệm như
là công cụ cho phép các bên liên quan nộp hồ sơ một lần, tại một nơi với
thông tin đã được chuẩn hóa để thực hiện các quy định liên quan đến nhập
khẩu, xuất khẩu, nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh.
IMO đã nêu hai lợi ích căn bản
khi áp dụng thủ tục một cửa như sau:
Thứ nhất, đối với các cơ quan Chính phủ sẽ đảm bảo các nguồn
thu thuế, cải thiện mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, áp dụng hiệu quả kỹ
thuật quản lý rủi ro, sử dụng các nguồn lực một cách hợp lý, chia sẽ được
thông tin nhanh chóng giữa các cơ quan Chính phủ, nâng cao hiệu quả và hiệu
lực quản lý nhà nước.
Thứ
hai, đối với doanh nghiệp vận tải sẽ
cắt giảm được chi phí nhờ giảm thiểu được sự chậm trễ do thủ tục hành chính,
tăng tốc độ thông quan tàu và giải phóng tàu nhanh hơn, sử dụng hiệu quả các
nguồn lực và giảm sai sót trong hoạt động khai thác hàng hải.
Một số nước Châu Á như Singapore,
Malaysia đã áp dụng thành công mô hình một cửa và được IMO đánh giá là hình
mẫu để các nước thành viên nghiên cứu.
WCO và IMO khuyến nghị sử
dụng EDI để trao đổi dữ liệu điện tử và đơn giản hóa các thủ tục hành chính,
hạn chế yêu cầu người khai cung cấp quá nhiều thông tin cho cơ quan
quản lý.
Theo đó, đối với thủ tục tàu
biển ra vào cảng, cần xây dựng một mạng thông tin chung cho các cơ quan để
khai thác, trao đổi, chia sẻ thông tin. Chuẩn thông tin để trao đổi dữ liệu
điện tử là theo chuẩn của Liên Hợp Quốc (chuẩn UN/EDIFACT) cũng nên được
khuyến khích các bên tham gia sử dụng (bao gồm các cơ quan Chính phủ, hãng
tàu, đại lý hãng tàu, đại lý giao nhận, doanh nghiệp cảng…)
|
Theo Chinhphu