Năm 2012, xuất khẩu nông sản đang lộ diện những thách thức do triển vọng từ thị trường thế giới khá mong manh. Tuy nhiên, trong bức tranh khó khăn chung của thị trường vẫn xuất hiện những "đốm sáng”.
Nhiều tín hiệu mừng đến với gạo
Sau Tết Nguyên đán, nhiều khách hàng nước ngoài đã tìm đến các địa phương ở ĐBSCL để tìm hiểu, ký kết hợp đồng thu mua lúa gạo. Mới đây, một đoàn thương gia Hồng Kông đã ký hợp đồng nhập khẩu khoảng 7.000 - 8.000 tấn gạo thơm với các doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng. Đoàn thương gia Hồng Kông cho biết sẽ tiếp tục ký hợp đồng nhập khẩu gạo trong thời gian tới. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, VFA cũng vừa xuất sang Hồng Kông gần 40.000 tấn gạo, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này.
Trên cơ sở cân đối năm 2011, dự kiến sản lượng lúa gạo năm 2012 không thay đổi nhiều. Tồn kho năm 2011 chuyển sang năm 2012 khoảng 1 triệu tấn gạo, tổng cộng cân đối chung ước khoảng 8 triệu tấn. Xuất khẩu (XK) trong năm 2012 dự kiến đạt từ 6,5-7 triệu tấn, tồn kho chuyển sang năm sau từ 1-1,5 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2012, dự kiến các doanh nghiệp (DN) sẽ XK khoảng 3-3,5 triệu tấn gạo các loại, chỉ tiêu này đòi hỏi nỗ lực của các DN là rất lớn.
Bà Cao Thị Ngọc Hoa-Phó tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cũng cho biết "Chúng tôi đang xúc tiến tìm kiếm các hợp đồng XK gạo có lợi nhất sau Tết, bởi thị trường gạo năm 2012 dự báo không dễ dàng, các DN cần có giải pháp điều chỉnh giá để XK được gạo với giá lợi nhất”.
Cá tra cũng đã có hợp đồng xuất khẩu
Riêng XK cá tra sau Tết và năm nay vẫn được dự báo có vẻ khả quan. Đến thời điểm này hầu hết các DN chế biến cá tra đã sản xuất trở lại và hàng loạt hợp đồng XK cũng được ký kết khá nhiều trong những ngày đầu năm mới. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng-Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và XK thủy sản (VASEP): Các thị trường XK sau Tết cũng được DN đánh giá lạc quan. Hầu hết các DN đều có hợp đồng xuất cá tra đi Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc và một số nước ASEAN... như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), Công ty cổ phần Việt An (Anvifish Co), Công ty cổ phần Nam Việt (Navico)... Hiện cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn XK tại nhiều địa phương chỉ còn dao động 25.000 - 26.500 đồng/kg...
Cá tra Việt Nam đã vươn tới thị trường ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là nước có giá trị nhập khẩu hàng philê đông lạnh lớn nhất từ Việt Nam, đạt kim ngạch tới 331,6 triệu USD, tăng trưởng tới 87,8% so với năm 2010, thị phần tăng từ 11% lên 18%. Với nhóm sản phẩm cá tra chế biến, Hà Lan là thị trường đơn lẻ có giá trị nhập khẩu hàng chế biến cá tra Việt Nam nhiều nhất đạt trên 5,4 triệu USD, chiếm 38,81% thị phần của tổng giá trị xuất khẩu hàng cá tra chế biến.
VASEP đánh giá, năm 2012 kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng ngành cá tra sẽ vẫn gặt hái được những thành công. Bởi hiện nay, mặt hàng cá tra của Việt Nam đang có sức cạnh tranh cao trong ngành thực phẩm toàn cầu. Hình ảnh con cá tra cũng dần được cải thiện qua việc tổ chức WWF công nhận cá tra là loài thuỷ sản nuôi trồng bền vững, khuyến khích người tiêu dùng thế giới sử dụng.
Năm 2012, Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu đạm urê
Từ một nước luôn phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn phân đạm urê nhập khẩu, bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam đã có thể tự chủ hoàn toàn được loại phân bón quan trọng này.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết, năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam sẽ tự túc được hoàn toàn nhu cầu phân đạm urê khi Nhà máy đạm Cà Mau của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có công suất 800 nghìn tấn/năm và Nhà máy Phân bón Ninh Bình của Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam có công suất 560 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động, nâng tổng công suất đạm urê lên 2,36 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm 2011. Dự kiến đến cuối năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước xuất khẩu phân đạm urê do chính các nhà máy trong nước sản xuất. Việc này sẽ không phải là nhất thời mà sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, vì sản lượng phân đạm urê sản xuất trong nước sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Theo DaiDoanKet