Năm
2012, khoảng 90.000 chỉ tiêu xuất khẩu lao động. Chấn chỉnh hoạt động đưa lao
động sang Đài Loan.
Các
chuyên gia về lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhìn nhận do ảnh hưởng của
khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên năm 2012, nhu cầu lao động tại một số thị
trường bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, đại diện các công ty đưa lao động ra nước
ngoài làm việc cho rằng tuy khó khăn nhưng vẫn duy trì được lượng lao động làm
việc tại một số thị trường tiềm năng như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Malaysia… ngang bằng năm ngoái.
Giúp
việc nhà ở Trung Đông
Ông
Vũ Minh Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất khẩu lao động
thương mại và dịch vụ (Sovilaco), cho rằng bên cạnh các thị trường có thu nhập
“nghìn đô” như Nhật Bản, Hàn Quốc, trong năm nay sẽ tái khởi động lại thị
trường như Trung Đông, Libya. Theo ông Xuyên, đối với thị trường Libya, do tình
hình chính trị còn khá phức tạp nên khả năng đưa lao động đến thị trường này sẽ
khá khiêm tốn. “Hiện đã có một số đơn vị có đơn hàng đưa lao động sang làm nhân
viên văn phòng tại Libya” - ông Xuyên cho hay.
Những
thị trường như UAE, Ả Rập, Liban cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam
sang làm giúp việc gia đình tương đối cao. Tuy nhiên, theo ông Xuyên, các thị
trường này lại có thu nhập không cao lắm (khoảng 500 USD/tháng) nhưng lại yêu
cầu lao động phải có vốn ngoại ngữ nên khó thu hút lao động. Thị trường
Malaysia vốn thu hút rất nhiều lao động trước đây, yêu cầu tay nghề không khắt
khe thì nay dù có nhu cầu lớn nhưng cũng khó tuyển được lao động, vì mức thu
nhập khá thấp. Tuy nhiên, theo các công ty XKLĐ, gần đây có nhiều đơn hàng với
mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng người lao động vẫn chưa mặn mà.
Thị
trường Đài Loan lại có xu hướng thu hút nhiều lao động nữ làm việc trong các
ngành điện tử, dệt may... Những người lao động đã từng sang Đài Loan làm việc
cho hay áp lực công việc không quá cao nhưng lại có mức thu nhập khá ổn định,
giao động từ 10 đến 13 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các lao động tại các tỉnh
Nghệ An, Quảng Bình phản ánh họ phải tốn một khoản chi phí rất cao (khoảng 130
triệu đồng) để có bản hợp đồng ba năm làm việc tại Đài Loan.
Nhật
Bản: Hút lao động Việt Nam
Về
thị trường Nhật Bản, ông Xuyên đánh giá đây là thị trường hấp dẫn, bình quân
mỗi năm quốc gia này cần khoảng 3.000-4.000 lao động. Còn trong thực tế các
doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản có nhu cầu về lao động rất lớn. Tuy nhiên,
do chính sách thắt chặt lao động nên mỗi doanh nghiệp chỉ nhận tối đa khoảng
10% lao động từ ngoài nước.
Ông
Đỗ Văn Tiến, đại diện Hiệp hội Nhân lực Quốc tế Nhật Bản văn phòng Việt Nam (IM
Japan Việt Nam), cho biết trong năm 2012, các doanh nghiệp tại Nhật Bản có nhu
cầu khoảng 200 thực tập sinh làm việc trong các ngành chế tạo và xây dựng. Theo
đó, trong hai ngày 28 và 29-2, tại tỉnh Bạc Liêu, tổ chức này sẽ tổ chức thi ba
môn tiếng Nhật, thể lực và toán cho các lao động tại ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu
và Long An. Các ứng viên đạt yêu cầu sẽ tiếp tục học thêm bốn tháng tiếng Nhật,
sau đó sớm nhất khoảng bốn tháng sẽ sang Nhật Bản làm việc.
Theo
ông Tiến, trong hai năm đầu tiên người lao động có thu nhập khoảng 90.000 yen,
sau khi đã trừ các khoản chi phí, thuế thu nhập... Sang năm thứ ba, mức thu
nhập tăng 100.000 yen. Đặc biệt, các thực tập sinh hoàn thành hợp đồng về nước
sẽ được hỗ trợ thêm 600.000 yen, tương đương 160 triệu đồng. Ông Tiến cũng lưu
ý: “Chương trình thực hiện tại Việt Nam hoàn toàn miễn phí kể cả vé máy bay chiều
đi và về. Người lao động chỉ tốn các khoản chi phí như khám sức khỏe, hộ chiếu,
visa”.
Riêng
thị trường Hàn Quốc sẽ tiếp nhận lao động Việt Nam trong các ngành sản xuất chế
tạo, nông nghiệp - chăn nuôi, xây dựng và thủy sản. Dự kiến có khoảng 15.000
lao động đạt kết quả trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2011 sẽ được các doanh nghiệp
Hàn Quốc tiếp nhận sang làm việc.
Chấn
chỉnh hoạt động đưa lao động sang Đài Loan
Đài Loan là thị trường lớn,
nếu công tác quản lý có hiệu quả sẽ giải quyết được việc làm cho hàng chục
ngàn lao động. Gần đây đã phát sinh một số vấn đề về việc đưa lao động sang
Đài Loan làm việc, cụ thể là tình trạng lao động bỏ trốn, mức phí quá cao đối
với người lao động. Những phát sinh này chúng tôi đang tích cực chấn chỉnh để
thu hút lao động đến thị trường lớn này.
Ông NGUYỄN NGỌC QUỲNH, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)
|
Theo PhapLuat