Theo Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, năm 2012, vẫn sẽ là một năm
có nhiều thách thức với ngành thủy sản do khó khăn chung của
thế giới và trong nước. Tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản ước
đạt 370 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Nguyên nhân của tình
trạng này là do thị trường nhiều nước châu Âu đang lâm vào
khó khăn về kinh tế, việc tiêu thụ cũng như khả năng
thanh toán của thị trường này gặp khó khăn; mặt khác do nghỉ Tết
dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, thực tế hoạt động giao
dịch mua bán chỉ diễn ra trong khoảng 20 ngày của tháng 1, vì vậy dẫn tới sự
sụt giảm kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Mục tiêu trong năm 2012,
ngành thủy sản cả nước phấn đấu xuất khẩu đạt từ 6,5 – 6,7 tỷ USD, tăng 20 -
25% so với 2011. Trong đó, cá tra phấn đấu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD, tôm sẽ đạt
2,5 tỷ USD và xuất khẩu các mặt hàng hải sản sẽ đạt mức 2 tỷ USD.
Theo phân tích
từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2012,
nguồn tôm nguyên liệu trong nước sẽ ổn định hơn nhờ sự góp mặt của tôm thẻ chân
trắng và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ các đợt dịch bệnh tôm sú năm
2011. Trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ tôm tại các thị trường lớn như Nhật Bản,
Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn cao. Mỹ và Nhật Bản có xu hướng tăng nhập khẩu
sản phẩm giá trị gia tăng và giảm nhập khẩu tôm nguyên liệu. Trong khi đó, nhu
cầu tiêu thụ tôm tại EU sẽ không thật sự khả quan do nền kinh tế tại nhiều nước
châu Âu còn khó khăn sau khủng hoảng.
Đối với nguồn nguyên
liệu cá ngừ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trong nước sẽ tăng khá, nhưng Vasep cho
biết các doanh nghiệp sẽ vẫn phải nhập khẩu nhiều mực và bạch tuộc. Dự báo giá
trị xuất khẩu các sản phẩm này sẽ tăng trở lại tại các thị trường nhập khẩu lớn
như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản... vào nửa cuối năm. Bên cạnh đó Canada ,
Australia, Nga… tiếp tục là những thị trường mới cho hải sản Việt Nam .
Ông Trương Đình Hòe,
Tổng thư ký Vasep nhận định: Năm 2012, mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu thủy
sản trong nước vẫn phải đối mặt với khó khăn về nguyên liệu, thị trường và chất
lượng an toàn vệ sinh, tuy nhiên nguồn nguyên liệu đối với một số mặt hàng như
tôm, cá ngừ sẽ được cải thiện.
Hiện cộng đồng doanh
nghiệp thủy sản Việt Nam bắt đầu hướng tới mục tiêu nêu ra trong Chiến lược
Phát triển xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ là đến năm
2020 phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 4
cường quốc đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành thủy
sản Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn, cần
có những giải pháp thích hợp và tích cực thì mới
có thể đạt mục tiêu 10 tỷ USD. Đó là thách thức
về thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, thách thức về chất
lượng – vệ sinh an toàn thực phẩm- năng lực cạnh tranh và thách thức về phát
triển thị trường xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản
Vũ Văn Tám, để vượt qua những thách thức này, ngành thủy sản rất cần
sự đầu tư hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, sự chung tay
của nông dân, ngư dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thực hiện các giải
pháp như nâng cao sản lượng và mức độ chế biến sản phẩm thủy sản trong nước để
tăng giá trị xuất khẩu, đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu cho gia công xuất khẩu;
thiết lập hệ thống kiểm soát chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ của các tiêu chuẩn,
quy phạm, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu
sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý
chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của doanh nghiệp và người nuôi trong
chuỗi sản xuất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thủy sản Việt
Nam ra nước ngoài.
Theo ChinhPhu