Từ
một nước luôn phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn phân đạm urê nhập khẩu, bắt đầu
từ năm 2012, Việt Nam đã có thể tự chủ hoàn toàn được loại phân bón quan trọng
này.
Đặc
biệt, khi các dự án mới về sản xuất phân đạm urê đi vào hoạt động ổn định trong
quý 4/2012 và nguồn cung phân bón tổng hợp NPK các loại cũng đã vượt xa nhu cầu
cần thiết thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để hướng tới xuất khẩu.
Hiệp
hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho biết, năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam sẽ tự túc
được hoàn toàn nhu cầu phân đạm urê khi Nhà máy đạm Cà Mau của Tập đoàn Dầu khí
Việt Nam công suất 800 nghìn tấn/năm và Nhà máy Phân bón Ninh Bình của Tập đoàn
Công nghiệp hóa chất Việt Nam công suất 560 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động,
nâng tổng công suất đạm urê lên 2,36 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi so với năm
2011.
Trong
khi đó, nhu cầu urê năm 2012 chỉ khoảng 1,8 triệu tấn. Như vậy, không những tự
túc được phân đạm urê cho sản xuất nông nghiệp mà còn chấm dứt tình trạng nhập
khẩu thất thường kéo dài trong nhiều năm qua, bởi theo tính toán với năng lực sản
xuất như hiện nay thì nguồn cung vượt trên nhu cầu của cả nước khoảng 560 nghìn
tấn/năm.
Như
vậy, với nguồn cung dư thừa thì các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ phải tìm
thị trường xuất khẩu để tạo đầu ra cho sản xuất trong nước. Trước đây, đã từng
có những thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu phân urê,
nhưng đó là khi urê nhập khẩu và sản xuất trong nước bị tồn đọng nhiều do cung
vượt cầu, nên phải tiến hành xuất khẩu lượng urê nhập khẩu tồn kho.
Còn
tới cuối năm 2012, lần đầu tiên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nước xuất
khẩu phân đạm urê do chính các nhà máy trong nước sản xuất. Việc này sẽ không
phải là nhất thời mà sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, vì sản lượng urê sản xuất
trong nước sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Theo
dự kiến, sản lượng urê trong nước sẽ vượt qua mức 3 triệu tấn vào năm 2015. Nhà
máy đạm Hà Bắc đang triển khai dự án mở rộng đầu tư nâng công suất từ 200 nghìn
tấn/năm hiện nay lên 500 nghìn tấn/năm vào năm 2015. Tập đoàn Công Thanh cũng
đang tính toán đầu tư nhà máy sản xuất đạm từ than cám với công suất khoảng 560
nghìn tấn/năm tại xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Trong
khi đó, nhu cầu urê cả nước trong những năm tới đây vẫn chỉ ở mức khoảng trên
dưới 2 triệu tấn/năm. Do đó, không phải chờ đến năm 2015 mà ngay từ cuối năm
2011, các doanh nghiệp sản xuất urê đã bắt đầu tìm kiếm thị trường xuất khẩu để
giảm bớt áp lực cạnh tranh trong nước và có đầu ra ổn định cho hoạt động sản xuất.
Theo
FAV, xuất khẩu phân bón là một hướng mở tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất
trong nước, nhưng thị trường xuất khẩu
phân bón của Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm phân
bón của Trung Quốc, Thái Lan, các nước Trung Đông, Nga. Vì vậy, bên cạnh việc mỗi
doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất,
nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh, cũng như có chiến
lược xây dựng thương hiệu thì sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề sẽ rất cần thiết giúp
doanh nghiệp thắng lợi trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc
liên kết có thể thực hiện giữa các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn hoặc giữa
các tập đoàn với nhau khi sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này lại là sản phẩm
đầu vào của doanh nghiệp khác.
Hiện
nay, thị trường châu Phi đang có nhu cầu lớn về phân bón các loại nhưng xuất khẩu
vào thị trường này cũng khá rủi ro cho doanh nghiệp, bởi các ngân hàng ở các nước
châu Phi không đảm bảo về thanh toán. Vì vậy, nếu Chính phủ Việt Nam ký được Hiệp
định bảo đảm thanh toán với chính phủ các nước châu Phi nhằm tạo điều kiện cho
doanh nghiệp xuất khẩu không bị thiệt hại thì kim ngạch xuất khẩu phân bón vào châu Phi có thể nâng lên rất
cao.
Tổng
thư ký FAV Nguyễn Đình Hạc Thúy khẳng định, giá phân bón phụ thuộc nhiều vào
giá than và giá khí, giá quặng apatit, bởi đây là nguồn nguyên liệu và nhiên liệu
đầu vào chủ yếu để sản xuất phân bón. Vì vậy, cùng với việc nghiên cứu chính
sách giá bán nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào này hợp lý đảm bảo lợi ích của các
bên, Bộ Tài chính cần sớm có chính sách thuế phù hợp, tạo thuận lợi hơn cho
doanh nghiệp xuất khẩu phân bón.
Theo
tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón các loại
của cả nước trong năm 2012 sẽ khoảng 9,8 triệu tấn. Trong đó, phân NPK 3,5 triệu
tấn, phân urê 2 triệu tấn, phân lân các loại 1,8 triệu tấn, DAP 950 nghìn tấn,
kali 920 nghìn tấn, đạm SA 710 nghìn tấn
Trong
các loại phân bón chủ lực trên, thì đến năm 2012, Việt Nam đã hoàn toàn tự túc
được NPK, lân và urê. Còn đối với phân DAP, dù hiện đã có Nhà máy DAP Đình Vũ
(Hải Phòng) với công suất 330 nghìn tấn/năm, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 35%
nhu cầu cả nước. Còn lại 65% nhu cầu DAP vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Tập
đoàn hóa chất đang tích cực xúc tiến việc xây dựng nhà máy DAP ở Lào Cai, có
công suất tương đương với Nhà máy Đình Vũ.
Như
vậy, chỉ sau vài năm nữa, lượng DAP nhập
khẩu sẽ giảm đáng kể. Còn 2 loại phân quan trọng khác là SA và kali vẫn
phải nhập 100% từ nước ngoài, bởi trong nước hiện nay chưa có nhà máy nào sản
xuất 2 loại phân bón này.
Trong
khi đó, hiện nay, Việt Nam đã có đủ cơ sở vật chất để sản xuất amoniac nhằm
cung cấp nguyên liệu cho sản xuất phân SA. Còn nếu thực hiện được dự án khai
thác và chế biến muối mỏ ở Lào thì sẽ có thể sản xuất được kali cho thị trường
nội địa.
Theo VnEconomy