Năm
2012 được dự báo sẽ là năm đặc biệt khó khăn cho các thị trường xuất khẩu của
VN, cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu đã khiến cho hầu hết người tiêu dùng ở các
quốc gia thực hiện các chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Với góc nhìn là những
người trực tiếp “nằm vùng” tại các thị trường - các Tham tán Thương mại tại các
thị trường trọng điểm và cả những thị trường mới sẽ có những lời khuyên bổ ích
cho các DN nhân dịp đầu năm mới.
Sẽ thêm
nhiều lợi thế với bạn hàng
Kinh tế
thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nước Nga cũng không nằm ngoài vòng quay đó.
Mặc dù vậy, do nước Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, mỗi năm xuất khẩu
khoảng 500 tỉ USD, nhập khẩu khoảng 380 tỉ USD. Có thể nói, cán cân thương mại
của Nga luôn ở vị trí xuất siêu.
Thị
trường Nga là thị trường mở, không có rào cản. Nhìn chung xuất khẩu của VN sang
Nga hiện có nhiều thuận lợi, năm 2011 tăng 66%, đạt khoảng 1,5 tỉ USD. Con số
này sẽ còn tăng mạnh trong năm 2012. Riêng với mặt hàng thuỷ sản, một trong
những mặt hàng xuất khẩu lớn của VN vào Nga, mỗi năm VN xuất khẩu khoảng 60
ngàn tấn thủy sản.
Điểm
đáng lưu ý, năm 2011 Nga đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là
một yếu tố vô cùng thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu của VN vào thị trường này,
bởi thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 3-5%. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn thương mại cũng
được quốc tế hoá theo Luật WTO.
VN và
Nga đang trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do, dự kiến trong
khoảng 2 năm nữa hiệp định sẽ được ký kết. Đây cũng là một lợi thế giúp hàng
xuất khẩu của VN sang thị trường Nga thuận lợi hơn.
Tuy
nhiên, tôi xin lưu ý các DN VN khi ký hợp đồng với các đối tác Nga cần chặt
chẽ, bởi đã có một số DN ký hợp đồng không đảm bảo quyền lợi của người bán nên
đã nảy sinh các tranh chấp. Bởi thực tế, mặc dù là thị trường lớn nhưng thị
trường Nga cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ thống pháp lý của họ chưa đảm bảo. Do
vậy, các DN khi ký hợp đồng cần cẩn thận, phải thuê luật sư tư vấn hoặc nhờ sự
giúp đỡ từ Thương vụ. Bản thân Thương vụ cũng đang xử lý một số trường hợp DN
Việt gặp rắc rối khi làm ăn với các DN Nga.
Chúng
ta nói nhiều về “rào cản” khi xuất khẩu vào các thị trường quốc tế, nhưng tôi
cho rằng cần phải nhìn nhận “rào cản” này ở khía cạnh là những yêu cầu về đảm
bảo an toàn cho người tiêu dùng mà bất cứ quốc gia nào cũng phải có. Và đây là
chuyện hết sức bình thường..
Cơ hội
sau thảm hoạ
Nhiều
người nói rằng sau thảm hoạ động đất sóng thần, việc xuất khẩu sang Nhật sẽ gặp
khó khăn. Tuy nhiên, là người làm việc tại Nhật, tôi có thể khẳng định bức
tranh xuất khẩu sang Nhật sẽ không u ám như nhiều quan điểm đưa ra. Bởi, chính
thảm hoạ đó đã tạo thành một “cú hích” cho nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ nước
ngoài. Lâu nay, vùng tâm động đất sóng thần là trung tâm cung ứng nông sản,
thực phẩm cho nước Nhật, do vậy sau thảm hoạ chính đây lại là điều kiện thuận
cho các nước xuất khẩu.
Kim
ngạch xuất khẩu VN sang Nhật năm 2011 tăng 37%, năm 2012 chắc chắn giá trị xuất
khẩu sang thị trường Nhật sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là mặt hàng thuỷ sản và
nông sản thực phẩm.
Tuy
nhiên, các DN VN xuất khẩu thuỷ sản cần lưu ý tới chất lượng an toàn vệ sinh
thực phẩm, bởi trong 11 tháng năm 2011, đã có 109 lô hàng vi phạm, do đó ảnh
hưởng rất lớn tới kim ngạch mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu sang Nhật. Tôi xin lưu
ý các DN cố gắng hạn chế các chất tồn dư kháng sinh để đảm bảo đúng yêu cầu của
thị trường Nhật, bởi đây là quy định chung cho tất cả các mặt hàng thực phẩm
của Nhật.
Bên
cạnh đó, mặt hàng may mặc vẫn còn rất nhiều cơ hội, thị trường Nhật hầu như
nhập khẩu mặt hàng này, các DN trong nước chỉ sản xuất rất ít hàng cao cấp. Lâu
nay các DN Nhật hay nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc nhưng vài năm trở lại
đây họ bắt đầu quay sang nhập khẩu hàng từ VN do chất lượng sản phẩm tốt, giá
cạnh tranh.
Một
điểm nữa cũng cần lưu ý là trong 3 năm tới, các DN Nhật Bản sẽ chuyển cứ điểm
sản xuất ra nước ngoài tới 39,3%, điểm đến đầu tiên là các quốc gia khu vực
Châu Á, trong đó có VN. Do vậy, đây sẽ là cơ hội đón dòng vốn FDI thuận lợi của
khu vực Châu Á nói chung và của VN nói riêng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn
như hiện nay, thì đây là một cơ hội mà DN VN không thể bỏ qua.
Thương
vụ sẽ tiếp tục hỗ trợ, cung cấp thông tin hữu ích cho các DN VN, tạo điều kiện
DN tiếp cận thị trường, đặc biệt là DNNVV.
Cảnh
báo mới từ hoa kỳ
Xuất
khẩu của VN sang Hoa Kỳ tăng 20%/năm, nếu vẫn giữ đà này thì tới năm 2015, mức
xuất khẩu sẽ đạt gấp đôi, khoảng 30 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, với thị trường Hoa
Kỳ, trao đổi thương mại có những đặc thù riêng so với các thị trường khác, bởi
chúng ta luôn gặp phải những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp... Hoa Kỳ
là một thị trường có những luật lệ chặt chẽ, phức tạp thậm chí là rắc rối.
Thương mại mang màu sắc chính trị rất lớn, ở Hoa Kỳ có ba giới mà các DN XK cần
quan tâm, đó là chính giới (các cơ quan chính phủ), giới nghị sĩ và giới học
giả, cả ba giới này đều có thể can thiệp sâu tới chính sách thương mại của Hoa
Kỳ. Do đó, hàng hoá của VN thường xuyên phải đối mặt với các hàng rào về kỹ
thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng bị kiện chống bán phá giá.
Tôi xin
cảnh báo các DN VN về đạo luật mới về Hiện đại hoá an toàn vệ sinh thực phẩm
của Hoa Kỳ (FFMA).Theo thống kê, mỗi năm ở Hoa Kỳ có 48 triệu người bị ốm và
120 ngàn phải nhập viện và 3 ngàn người chết do các loại dịch bệnh liên quan
tới an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì vậy phía Hoa Kỳ đã ban hành thành luật
để ngăn chặn từ bên ngoài các vấn đề về an toàn thực phẩm. Theo đó, sẽ quy
trách nhiệm giải trình của nhà nhập khẩu, các nhà nhập khẩu phải giải trình,
xác nhận rằng các nhà sản xuất đã ngăn ngừa ngay tại cơ sở sản xuất để đảm bảo
các sản phẩm đều an toàn. Bên cạnh đó, phải có chứng nhận của bên thứ ba, thông
qua một cơ quan giám sát chất lượng đạt tiêu chuẩn của Hoa Kỳ để cấp giấy chứng
nhận cho các cơ sở sản xuất thực phẩm ở nước ngoài đáp ứng được tiêu chuẩn của
Hoa Kỳ. Cuối cùng là quyền từ chối tiếp nhận nhập khẩu hàng hoá.
Đạo
luật này là lời cảnh báo các DN xuất khẩu nông sản, thực phẩm,đồ uống... vào
Hoa Kỳ. Để hàng hoá VN xuất khẩu vào được Hoa Kỳ, chúng ta bắt buộc phải tuân
thủ tất cả các điều kiện khắt khe của thị trường, sẵn sàng đấu tranh cho các vụ
kiện chống bán phá giá, trợ cấp. Bên cạnh đó, để duy trì và tăng trưởng xuất
khẩu, cần có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan Chính phủ và DN.
Đề
phòng tranh chấp thương mại
Là một
trong những thị trường nhập khẩu nhiều nhất hàng hóa của VN, trong thời gian
tới, EU vẫn tiếp tục được dự đoán là thị trường xuất khẩu tiềm năng của DN VN.
Dù vậy,
DN VN cũng đang gặp phải một số khó khăn vào thị trường EU, nguyên nhân do EU
là thị trường đặc biệt, có nhiều văn bản quy định kỹ thuật đối với các mặt
hàng. Ví dụ, quy định chi tiết nguồn gốc khu vực đánh bắt thuỷ sản, khai thác
gỗ,… Khủng hoảng nợ công tại EU khiến nhiều quốc gia trong khu vực này dựng lên
các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ DN trong nước. Đặc biệt, tôi xin lưu ý với các
DN, thời gian tới xu hướng bảo hộ mậu dịch sẽ ngày càng gia tăng, các DN cần đề
phòng việc sẽ xuất hiện nhiều vụ kiện bán phá giá, tranh chấp thương mại. Một
trong những bài học mà VN gặp phải là cá ba sa của VN từng bị đánh giá là không
đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nuôi trong môi trường ô nhiễm khiến giá trị
xuất khẩu của cá ba sa bị giảm nhiều.
Bên
cạnh đó, sau khi có quy định chống bán phá giá, sự cạnh tranh với hàng hóa
Trung Quốc khi xuất khẩu vào thị trường này cũng là một thách thức không nhỏ
đối với các DN VN. Đặc biệt, trong năm 2012, các DN xuất khẩu của VN sẽ phải
tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức do cuộc khủng hoảng nợ công
Châu Âu đang lan rộng, điều này sẽ khiến sức mua giảm.
Tuy
nhiên, theo tôi không phải là không có cách giải quyết những khó khăn, thách
thức này nếu chúng ta có quyết tâm. Một trong những sự hỗ trợ từ phía Chính phủ
là bắt đầu từ năm 2011, cơ quan đại diện nước ngoài đã trở thành cơ quan đại
diện theo Luật định có tham gia xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, chúng ta đã
tổ chức được hội chợ và vận động, ngoại giao văn hoá, thương mại góp phần thay
đổi nhận thức và hành động của chính quyền EU nhìn nhận về hàng VN. Đại sứ quán
và Thương vụ sẵn sàng hợp tác và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ DN xuất khẩu vào
thị trường EU. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần DN cởi mở, hợp tác chặt chẽ, nêu
ra những yêu cầu hỗ trợ cụ thể.
Bí
quyết là Phải luôn có sản phẩm mới
Mặc dù
là lục địa nghèo, nhưng nhờ có nguồn thu từ xuất khẩu nhiều loại tài nguyên quý
và với dân số đông nên Châu Phi hiện là thị trường có sức mua khá mạnh. Tuy
nhiên, nếu các DN VN tham gia các hoạt động XTTM như vẫn làm lâu nay tại
Châu Phi: tức là chỉ đi tìm hiểu thị trường, dự hội nghị, hội thảo, tìm hiểu
thông tin,... mà không quảng cáo, giới thiệu, trưng bày sản phẩm cụ thể của
mình, thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình, thì có thể coi như các DN
đó chưa làm công tác XTTM, nếu không nói là đã rất lãng phí tiền của.
Một
điều đã rất cũ, nhưng xin được nhắc lại là: hình như chúng ta vẫn còn tiếp tục
bán những gì mà mình có, chứ chưa tạo ra cái mà họ cần để bán. Ví dụ như,
nếu muốn xuất khẩu được nhiều quần áo sang Châu Phi, có lẽ các DN VN phải đổi
mới thêm về mẫu mã, họa tiết, màu sắc, size... cho phù hợp hơn với người
Châu Phi. Các quốc gia Châu Phi có gu thời trang rất riêng và rất đa dạng, thậm
chí là rất kén chọn các gam màu, cũng như sự tương hợp, phối màu trong trang
phục.
Chúng
tôi được rất nhiều bạn bè, các quan chức trong ngành xúc tiến thương mại của
Châu Phi và Nam Phi khuyên rằng: muốn vào được thị trường khu vực này, phải
luôn có sản phẩm mới: Xin đừng nghĩ rằng họ chơi sang và bắt chúng ta phải sáng
tạo ra các hàng hóa cao siêu, lạ chưa từng có. Đơn giản họ chỉ khuyên chúng ta
không ngừng cải tiến sản phẩm, đôi khi chỉ là thay đổi mẫu mã, bao bì, hình
thức quảng cáo mà thôi.
Cuối
cùng là phải sẵn sàng và đủ sức đáp ứng được các hợp đồng (về mặt số lượng cũng
như mẫu mã mới). Riêng về mặt số lượng sản phẩm. DN cần lưu ý đặc điểm của thị
trường Nam Phi. Thị trường này đã hình thành hệ thống phân phối rất lớn mạnh
cho cả hình thức bán buôn và bán lẻ. Vì vậy, khi họ đã đặt đơn hàng nhập khẩu
là đặt cho toàn bộ đơn hàng của cả hệ thống siêu thị và mạng lưới bán lẻ rộng
khắp, không những chỉ ở Nam Phi, mà còn ở nhiều nước Nam phần Châu Phi, và Châu
Phi nói chung.
Theo BaoMoi