Với những diễn biến
trên thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2011, không ít chuyên gia cho
rằng, năm 2012 vẫn còn khó khăn trong việc đưa người lao động đi làm việc ở
nước ngoài.
Tập trung chấn
chỉnh sai phạm
Năm 2011, hoạt động
XKLĐ dù không thực sự khởi sắc, nhưng cả nước đã đưa được 88.300 lao động đi
làm việc ở nước ngoài, đạt 101,5% kế hoạch. Đây là một kết quả khả quan trong
bối cảnh thị trường lao động thế giới trầm lắng, nhất là thị
trường Libya nơi tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam bị ảnh
hưởng do khủng hoảng chính trị. Số lao động đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu
tăng mạnh ở một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc (15.214 lao
động); Malaysia (9.977), Đài Loan (38.796), Nhật Bản (6.985).
Theo ông Đào Công
Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), ngành đã
phải tập trung thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa và xử lý các hiện tượng lừa
đảo, tiêu cực trong quá trình đưa lao động đi nước ngoài làm việc.
Bộ trưởng Bộ
LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng nhấn mạnh: “Bộ đã chỉ đạo các đơn vị XKLĐ
làm thật tốt, thật chặt. Đơn vị nào làm không tốt, chúng tôi đề nghị không được
phép tham gia vào XKLĐ nữa”.
Kỳ vọng năm 2012
Năm 2012, Bộ đặt kế
hoạch đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mặc dù chỉ tiêu không tăng
nhiều so với năm 2011, nhưng cũng đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của tất cả các cơ
quan hữu quan, các doanh nghiệp XKLĐ, bởi thị trường lao động chưa có dấu hiệu
khả quan.
Malaysia là
một trong những thị trường đầy tiềm năng và được các doanh nghiệp hướng tới,
nhưng chính các doanh nghiệp làm thị trường này lại đang khó tuyển được nguồn.
Thị trường lao động tại Đài Loan cũng gặp khó khăn hơn khi phí môi giới
quá cao, trong khi thu nhập thấp, chỉ ở mức 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhật Bản,
Hàn Quốc hiện được đánh giá là những thị trường thu nhập cao, điều kiện làm
việc tốt. Tuy nhiên, lại bị hạn chế bởi số lượng và quy định nghiêm ngặt về
trình độ tay nghề, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.
Để bảo đảm nguồn
lao động đáp ứng những tiêu chuẩn của các thị trường thu nhập cao, Bộ
LĐTB&XH sẽ tập trung đầu tư nâng cao công tác đào tạo lao động. Thời gian
tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp và các trường sẽ đẩy mạnh
đào tạo nghề theo cơ chế đấu thầu, để đào tạo đúng địa chỉ, cấp kinh phí đúng
nơi, tập trung vào các nghề công nghệ cao như đốc công, điều dưỡng viên... đồng
thời tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường XKLĐ.
Theo BaoMoi