Năm 2012 XK sẽ không có nhiều thuận lợi. Nguyên nhân bắt
nguồn từ những bất ổn, khó khăn của kinh tế thế giới. Tuy vậy, kế hoạch XK trên
100 tỷ USD Chính phủ đặt ra vẫn có cơ hội hoàn thành.
Sau 5 năm hội nhập WTO, bức tranh XK của Việt Nam đã có nhiều
điểm sáng. Cụ thể, kim ngạch XK có sự tăng trưởng đáng kể, tăng từ 48,6 tỷ USD
năm 2007 lên 57,1 tỷ USD năm 2009, năm 2010 kim ngạch XK cả nước đạt 72,19 tỷ
USD và năm 2011 là 96,3 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trung bình mỗi năm từ 20 đến
30%/năm.
Thị trường XK của Việt Nam đa dạng hơn và Việt Nam đã thâm
nhập sâu hơn vào các thị trường trọng yếu trên thế giới như: Hoa Kỳ, EU, Trung
Quốc, Nhật Bản... Năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường
trọng yếu tăng đáng kể với nhiều mặt hàng chủ lực như than đá, hạt điều, gạo…
Năm 2012, Chính phủ đặt ra mục tiêu, tổng kim ngạch XK năm 2012 đạt khoảng
106,4 - 107,4 tỷ USD, tăng 12 - 13,1% so với năm 2011.
Tuy nhiên, trong năm tới với những khó khăn đã lường trước,
liệu rằng, Việt Nam có thể vươn tới mức XK kỷ lục này?
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đây là
con số vừa phải, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước cũng như tình hình
kinh tế thế giới. Nhìn nhận một cách tổng thể, ông Võ Trí Thành, Phó Viện
trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước sự bất ổn
của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng đang thận trọng khi đề ra mục tiêu tăng
trưởng XK cho năm 2012 với mức tăng trưởng về giá trị XK khoảng 12-13%.
Mặc dù năm 2011 Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục về XK,
tăng hơn 3 lần so với kế hoạch đề ra, nhưng trên thực tế, tăng trưởng XK của
nước ta thời gian qua chủ yếu là nhờ yếu tố giá, còn tăng trưởng về lượng là
hạn chế, chỉ đạt khoảng 13%. Một dẫn chứng cho điều này, có thể thấy, một số
mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày… đã có sự sụt giảm đáng kể
trong những tháng cuối năm 2011, có những DN lượng đơn hàng giảm tới 40%. Ngay
cả thị trường Trung Quốc, thực trạng này cũng diễn ra, họ phải tiết giảm sản
xuất, giảm tỷ trọng.
Do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn nên giá cả hàng
hóa, nhu cầu NK ở nhiều thị trường chính của Việt Nam như EU, Nhật Bản, Mỹ cũng
đi xuống. Bởi vậy XK trong năm 2012 sẽ khó tăng cao nhờ yếu tố tăng giá như năm
2011, ông Võ Trí Thành cho biết. Bên cạnh đó, một yếu tố làm cho kim ngạch XK
năm 2012 giảm đó là mặt hàng vàng.
Theo Bộ Công Thương, nếu năm 2011 kim ngạch XK tăng cao nhờ
có việc tính cả kim ngạch vàng với trị giá khoảng 2,7 tỷ USD, đóng góp gần 4%
trong tăng trưởng XK thì dự báo năm 2012, XK vàng sẽ không còn, thậm chí sẽ
phải tăng NK để ổn định thị trường vàng trong nước. Như vậy, cùng với sự suy
thoái về kinh tế và suy giảm giảm về giá XK đã được dự báo, kim ngạch XK trong
thời gian tới có thể sẽ giảm.
Giữ vững thị trường XK
Ông Võ Trí Thành cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ sẽ
triển khai mạnh mẽ hơn các biện pháp hỗ trợ hoạt động XK của DN, đặc biệt là
các DN vừa và nhỏ, DN trong khu vực nông nghiệp, nông thôn như hỗ trợ về thuế,
tín dụng kết hợp xử lý khó khăn tại hệ thống ngân hàng.
Việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các DN
phát triển sản xuất, kinh doanh luôn được chú trọng, đặc biệt là việc tháo gỡ
các khó khăn vướng mắc, bảo đảm đủ vốn, đủ ngoại tệ cho sản xuất các ngành
hàng, các sản phẩm mà thị trường trong nước và XK đang có nhu cầu lớn. Với
những ưu tiên hàng đầu này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng
trưởng vẫn có cơ hội để đạt được.
Theo ông Lê Đăng Doanh, XK năm 2011 đạt mức tăng trưởng tương
đối lớn tăng hơn 35%, trong đó XK một số mặt hàng cuối năm có nhiều thuận lợi
(ví dụ như mặt hàng gạo) tạo nên cơ hội “vàng” cho hoạt động XK trong năm 2012.
Cụ thể, năm 2011 có nhiều mặt hàng, nhóm hàng XK trên 1 tỷ USD và một số thương
hiệu ngày càng mạnh (năm 2011 là 19). Ví dụ như, XK dệt may hoàn thành kế hoạch
năm 2011 là 13 tỷ USD, XK lương thực năm 2011 đạt mức kỷ lục, trên 7 triệu tấn
nhưng vẫn bảo đảm đủ lương thực tiêu dùng trong nước và dự trữ...
Mặt khác, để vượt qua những khó khăn trong năm 2012 và hoàn
thành mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội
Hà Nội cho rằng, các DN cần chủ động phân tích tình hình, sẵn sàng nhiều kịch
bản ứng phó với biến động của thị trường, trong đó có việc giữ vững thị trường
XK, bởi có những thị trường mặc dù bị ảnh hưởng suy thoái nhưng vẫn có mức tăng
trưởng tốt.
Thị trường EU là một ví dụ. Trong giai đoạn khó khăn từ 2007
đến 2009, EU vẫn là khu vực có mức tăng XK cao nhất. Các mặt hàng XK của Việt
Nam sang thị trường EU là giày dép, nông sản, thủy sản, cà phê, đồ gỗ được đánh
giá là những mặt hàng không bị ảnh hưởng nhiều về giá. Nhờ vậy, tốc độ tăng
trưởng của Việt Nam sang thị trường này không bị sụt giảm nhiều.
Một điều cũng rất quan trọng mà nhiều lãnh đạo DN nhìn nhận,
nền kinh tế bất ổn thì DN cũng “bất ổn”. Bởi thế, trong bối cảnh khó khăn
chung, ngoài những thị trường chính được cảnh báo là bị ảnh hưởng của suy thoái
kinh tế thì DN nên tìm đến những thị trường ít bị tác động như Nam Mỹ, Trung
Đông, châu Phi… Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc Công ty CP cao su Hà Nội cho biết,
Công ty đang xúc tiến tìm kiếm những đơn hàng từ thị trường châu Phi, châu Á
bằng việc thực hiện những đơn hàng nhỏ hơn giá trị thấp hơn để tăng trưởng tốt.
Ở một khía cạnh khác, ông Vũ Tuấn Giang, Giám đốc Công ty
TNHH XNK Sovina cho rằng, dù kinh tế khó khăn nhưng nếu DN tìm ra hướng XK, các
nhà sản xuất trong nước cải thiện hàng hóa, tăng chất lượng, giảm giá thành...
Ông Giang chia sẻ, XK mặt hàng bánh kẹo sang thị trường Hàn Quốc cần chú ý đến
yêu cầu sản phẩm (chất bảo quản E102 ở Việt Nam có thể dùng nhưng thị trường
này không thể dùng), hoặc làm bao bì theo sở thích của họ.
Kinh nghiệm để thành công là bán những gì họ cần chứ không
phải bán những gì mình có, thông qua việc tìm hiểu thị trường. Đây là cách mà
DN Việt Nam đang làm, tức là biết cách chuyển hướng các mặt hàng đáp ứng yêu
cầu thế giới theo đúng tiêu chuẩn thì chúng ta có thể XK được.
Theo Vinanet