Năm
2011, ngành thủy sản Việt Nam tương đối thành công khi xuất khẩu đạt hơn 6,1 tỉ
USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng vẫn có nguy cơ bị cấm ở các thị trường trọng
điểm Nhật Bản, EU, Mỹ.
Liên
tiếp bị cảnh báo
Theo
thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), chỉ riêng thị
trường Nhật Bản (mỗi năm nhập khẩu 500-600 triệu USD và chiếm 27-30% thị phần
tôm của Việt Nam) đã có tới 132 cảnh báo đối với thủy sản từ Việt Nam. Các cảnh
báo này đều cho rằng thủy sản Việt Nam nhiễm chất Trifluralin và Enrofloxacin.
Đáng lo ngại là 6 tháng cuối năm đã có tới 54 lô hàng (chủ yếu là tôm) bị nhiễm
Enrofloxacin ở thị trường Nhật Bản. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của thủy sản
Việt Nam, nhất là trong thời điểm Nhật Bản đang có những động thái siết chặt
kiểm tra chất lượng hàng thủy sản nhập khẩu.
Tại hai
thị trường trọng điểm là EU và Mỹ, vấn đề kiểm soát chất lượng nằm trong tầm
kiểm soát nhưng do tác động của thị trường Nhật Bản nên cơ quan chức năng ở
những nơi này đã có nhiều động thái kiểm tra gắt gao đối với thủy sản đến từ
Việt Nam. Theo ông Hồ Quốc Lực - Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Sao Ta và
Chủ tịch Ủy ban Tôm (thuộc VASEP) - đầu năm 2012 có nhận được email từ khách
hàng ở Mỹ cho biết cơ quan kiểm tra nhập khẩu thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) sẽ
kiểm tra chặt chẽ chất kháng sinh Enrofloxacin trong tôm có xuất xứ từ Việt Nam
nhập vào Mỹ. Lý do là FDA đã nhận được nhiều phản hồi cho thấy tôm Việt Nam bị
nhà chức trách Nhật Bản nâng cao tần suất kiểm tra liên quan đến kháng sinh.
Nếu điều này xảy ra thì sẽ tạo hậu quả thiệt hại vô cùng lớn vì Mỹ đang là thị
trường tiêu thụ 25-30% tôm Việt Nam.
Trước
tình hình như vậy, ông Lực đã có “đơn thỉnh nguyện” gửi Bộ NN-PTNT và lãnh đạo
tỉnh Sóc Trăng - nơi cung cấp phần lớn nguyên liệu tôm xuất khẩu. Bởi nếu không
kiểm soát được vấn đề chất lượng, để cho thị trường Nhật, Mỹ cấm cửa thì sẽ có
nhiều doanh nghiệp phá sản, công nhân mất việc làm.
Bất cập
Nhiều
năm qua, xuất khẩu thủy sản ngày càng gia tăng về sản lượng cũng như giá trị và
được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy vậy, vấn đề kiểm soát chất lượng vẫn
chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành. Trong khi một số chất kháng sinh bị
nhiều nước cấm sử dụng thì trong nước vẫn cho phép sử dụng. Điển hình như năm
2010, do được phép sử dụng trong nuôi trồng nên chất Trifluralin đã khiến thủy
sản Việt Nam gặp lao đao ở Nhật Bản. Sau đó, Bộ NN-PTNT đã ra lệnh cấm sử dụng
chất
Trifluralin,
cải thiện được chất lượng hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, trong năm 2011, bài học cũ
lặp lại khi nhiều lô hàng thủy sản nhiễm chất Enrofloxacin, bị cảnh báo và trả
về. Được biết nhiều nước coi Enrofloxacin là chất gây hại tới sức khỏe con
người và cấm sử dụng, nhưng trong nước chất này chỉ nằm trong danh mục “hạn chế
sử dụng”.
Mặt
khác, trong khi thế giới đang khuyến khích kiểm soát hệ thống (giám sát chặt từ
khâu nuôi trồng, thu mua, sản xuất, chế biến… tạo thành một chuỗi liên kết) để
giảm bớt kiểm tra lô hàng thì cơ quan chức năng trong nước lại tăng cường kiểm
tra lô hàng mà bỏ quên giám sát hệ thống. Theo nhiều doanh nghiệp, việc kiểm
tra chất lượng theo kiểu “chặn đầu ra” giống như cấp giấy chứng nhận đủ điều
kiện xuất khẩu chứ không phải kiểm để ngăn ngừa, xử lý trường hợp làm không
tốt.
Ông
Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho hay nếu tổ chức tốt khâu liên kết từ
người nuôi đến doanh nghiệp, thay vì tốn chi phí cho kiểm tra, doanh nghiệp sẽ
dùng số tiền này đầu tư hệ thống nuôi trồng để có nguồn nguyên liệu tốt hơn.
Chứ như hiện nay, dù chất lượng đầu ra được kiểm tra gắt gao nhưng trước đó các
khâu con giống, thức ăn, nuôi trồng… không được kiểm soát tốt thì các lô hàng
không đạt yêu cầu vẫn cứ gia tăng.
Ở một
góc độ khác, ông Vũ Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH SGS Việt Nam, cho
hay vẫn còn nhiều doanh nghiệp chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp chất lượng. Đây là
những doanh nghiệp không chuyên về thủy sản, mà chỉ đi dự các hội chợ quốc tế,
thấy có đơn hàng rồi trở về thu gom thủy sản trôi nổi, thiếu sự kiểm soát chặt
chẽ.
“Không
thể đổ hết lỗi yếu kém chất lượng cho Bộ NN-PTNT được. Với hàng trăm doanh
nghiệp, tốt có, xấu có như hiện nay thì Bộ khó kiểm soát. Muốn kiểm soát tốt,
ngoài vai trò quản lý của nhà nước, doanh nghiệp nên bỏ làm ăn chụp giật mà
phải làm bài bản”, ông Thắng nói.
Theo TNO