Năm 2011
khép lại với những thành tựu nổi bật của ngành sản xuất chè Việt Nam. Năm qua,
mặc dù diện tích chè cả nước giảm 2,8% so với năm 2010 song sản lượng thu hoạch
vẫn đạt 888.600 tấn, tăng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 198 triệu USD. Tiếp tục
phát huy những điều kiện thuận lợi, năm 2012 hứa hẹn một năm thắng lợi hơn nữa
của ngành chè Việt Nam.
Ngành chè
Việt Nam đã xuất khẩu đến 110 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó có 3
nước đạt kim ngạch trên 10 triệu USD là Pakistan, Nga, Trung Quốc. Hiện ngành
chế biến chè cả nước có tổng công suất theo thiết kế 4.646 tấn/ngày, năng lực
chế biến gần 1,5 triệu tấn búp/năm, đứng hàng thứ 5 thế giới đang có rất nhiều
khả năng để bật lên mạnh mẽ hơn nhiều mặt hàng khác. Trong đó, có hơn 450 cơ sở
chế biến chè quy mô công suất từ 1.000 kg chè búp tươi/ngày trở lên. Tuy nhiên,
để ngành chè phát triển và nâng cao giá trị cần mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa
giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ chè.
Các
chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là thế mạnh nhất mà mặt hàng này đang nắm
giữ, đó là có tỷ lệ nội địa 100%. Trong khi nhiều ngành, nhiều mặt hàng gia
công là chủ yếu, có tỷ lệ nội địa thấp lại có doanh thu tới 5-10 tỷ USD mỗi
năm. Việc mặt hàng chè, cà phê có tỷ lệ nội địa 100% nhưng đang đem lại doanh thu
thấp rõ ràng còn “ẩn giấu” tiềm năng để chúng ta khai thác. Có chiến lược và lộ
trình khai thác hiệu quả lợi thế của mặt hàng này, trước hết đem lại lợi nhuận
cao cho nhà đầu tư, đồng thời còn tạo lợi thế cho nền kinh tế phát triển bền
vững.
Theo
thống kê trong năm 2011, cùng với xu hướng tăng giá chung của các mặt hàng nông
sản, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.520 USD/tấn, bằng giá kỷ lục của năm
2008, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2010.
Năm 2012
được xem là năm khởi đầu cho chương trình “Vì sản phẩm trà an toàn, sản xuất có
trách nhiệm”, vừa được ngành chè phát động. Năm nay ngành chè sẽ không lấy số
lượng xuất khẩu là mục tiêu mà sẽ quan tâm nhiều hơn đến giá trị thực sự mà
người dân trồng chè và doanh nghiệp có thể thu được thông qua hoạt động xuất khẩu.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, thời gian tới ngành chè cần phải
thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm chè
Việt Nam. Phấn đấu trong vòng 5 năm tới (2011-2015) ổn định diện tích ở 130
ngàn ha, với mức tăng trưởng sản lượng 6%/năm, đưa kim ngạch xuất khẩu tăng ít
nhất 2 lần so với hiện nay. Kế hoạch năm 2012, xuất khẩu chè đạt 135.000 tấn,
giá trị 220 triệu USD. Đến năm 2015, sản lượng chè búp tươi đạt 1,2 triệu tấn,
sản lượng chè búp khô đạt 260.000 tấn, trong đó xuất khẩu 200.000 tấn, đạt kim
ngạch xuất khẩu 440 triệu USD, giá xuất khẩu bằng với giá bình quân của thế
giới (2.200 USD/tấn).
Để đạt
được những mục tiêu này, theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, ngành chè cần
căn cứ vào nhu cầu thị trường, khẩn trương cơ cấu lại và đa dạng hóa sản phẩm.
Trong đó, tập trung đầu tư mới và nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng hiện
đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng như tổ chức lại sản
xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế
biến và tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định,
tăng thu nhập cho người trồng chè. Về thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp
cần chủ động hơn nữa trong việc khai phá thị trường mới. Đối với các doanh nghiệp
cùng có chung một thị trường xuất khẩu cần có sự liên kết và hợp tác chặt chẽ,
nhất là yếu tố về giá.
Đảm bảo
chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm, nhất là những loại chè có giá trị kinh tế
cao, là việc làm quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp trong toàn ngành trước áp
lực cạnh tranh của các cường quốc xuất khẩu chè. Làm được như vậy, về lâu dài
ngành chè Việt Nam mới duy trì được nền nông nghiệp - công nghiệp chế biến bền
vững và đủ sức cạnh tranh.
Theo BaoMoi