|
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu
không thuận lợi nhưng xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2011 vẫn tăng trưởng
trên 30%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Gạo, hạt điều, tiêu, cao su...
đều tăng mạnh về giá trị, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của hàng nông sản trong
11 tháng đã vượt kế hoạch của năm 2011. Có thể nói nông nghiệp chính là một
điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2011.
Tăng mạnh về giá trị
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT),
tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến hết tháng 11/2011 đã đạt kế
hoạch năm 2011 và vượt hơn 3 tỷ USD so với kim ngạch năm 2010.
Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 11 tháng 2011,
giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản ước đạt 22,6 tỷ USD (tăng 30,6% so với
cùng kỳ năm 2010). Trong đó, kim ngạch các mặt hàng nông sản chính có tốc độ
tăng trưởng khá hơn cả, thu về 12,3 tỷ USD, tăng 36,6%; các mặt hàng lâm sản
chính đạt 3,8 tỷ USD, tăng 14,2% và mặt hàng thủy sản đạt 5,6 tỷ USD, tăng
24,9%.
Trong khi đó, 11 tháng qua kim ngạch nhập khẩu vật tư nông nghiệp, phân bón,
thức ăn gia súc... đạt 14,4 tỷ USD, tăng 33,4%. Như vậy, 11 tháng qua, ngành
nông sản đã đạt giá trị xuất siêu là 7,8 tỷ USD.
Ông Nguyễn Viết Chiến, Giám đốc Trung tâm Tin học và Thống kê, cho biết, việc
tăng mạnh về giá trị xuất khẩu nông sản có phần đóng góp không nhỏ của đà tăng
giá mạnh của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trên thế giới.
Tuy nhiên, để có được con số ấn tượng trên trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam
gặp rất nhiều khó khăn như: Lạm phát tăng cao khiến các chi phí sản xuất như
giống, thức ăn chăn nuôi, các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhân công... đều tăng
giá mạnh là một kỳ tích với ngành nông nghiệp. “Đặc biệt, lãi suất ngân hàng
luôn ở mức cao khiến nhiều bà con nông dân, người chăn nuôi gặp nhiều khó
khăn”, ông Nguyễn Viết Chiến cho biết.
Bên cạnh đó, trong năm Việt Nam đón nhận nhiều cơn bão từ Biển Đông, như cơn
bão số 3 gây lũ lụt liên tiếp xảy ra ở miền Trung, thiệt hại nặng nề cho ngành
nông nghiệp, nhiều diện tích lúa bị ngập sâu hay lũ lụt lịch sử ở đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ở ĐBSCL
Việt Nam xảy ra lũ lụt, với một số nơi mực nước đã vượt đỉnh lũ năm 2000, tuy
nhiên do các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và huy động nguồn lực
vào công tác phòng chống nên chỉ bị thiệt hại 8.000 ha trong tổng số 644.000
ha. Đây có thể xem là thắng lợi lớn của nông dân trồng lúa.
Lúa gạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Đầu năm, Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2011, Việt Nam có khả năng đạt sản lượng
gần 40 triệu tấn lúa, tương đương năm 2010, tức là có thể xuất khẩu 5,5 - 6,1
triệu tấn gạo. Đồng thời Chính phủ cũng giao cho ngành nông nghiệp phải tăng
thêm sản lượng 1 triệu tấn lúa ở ĐBSCL.
Đây sẽ là một mục tiêu nặng nề đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, trong bối
cảnh đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, ngập mặn, lũ lụt xâm hại ngày càng
nghiêm trọng hơn ở ĐBSCL nhưng nhờ sự chỉ đạo sát sao, tính toán kỹ lưỡng,
ngành nông nghiệp đã đạt và vượt kế hoạch đề ra chỉ sau 11 tháng sản xuất. Theo
ước tính của Cục Trồng trọt, sản lượng lúa gạo của ĐBSCL năm 2011 vào khoảng
23,176 triệu tấn, tăng hơn 1,6 triệu tấn so với năm 2010, hoàn thành xuất sắc
kế hoạch tăng 1 triệu tấn mà Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT.
Đến cuối tháng 11/2011, Cục Trồng trọt khẳng định tổng năng suất lúa toàn năm
2011 chắc chắn đạt khoảng 41,5 triệu tấn, thậm chí có thể đạt hơn do vẫn đang
trong đợt thu hoạch lúa mùa ĐBSCL và lúa thu đông miền Bắc. Ước tính lượng gạo
xuất khẩu 11 tháng 2011 lên 6,8 triệu tấn, với giá trị xấp xỉ 3,5 tỷ USD, tăng
7,1% về lượng và 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hầu như các nước sản xuất lúa ở
vùng Đông Nam Á đều gặp thiên tai, mất mùa. Thái Lan bị trận lũ tồi tệ nhất
trong lịch sử 50 năm, khiến lượng gạo xuất khẩu giảm 3 - 4 triệu tấn. Điều này
làm cho giá lúa tăng mạnh trong vụ thu đông lên 7.300 - 7.500 đồng/kg.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nhu cầu và giá gạo thế giới hiện nay đang trên
đà tăng có lợi cho Việt Nam, góp phần đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu mặt hàng này.
Tuy nhiên, do thương hiệu chưa mạnh nên giá gạo của Việt Nam thấp hơn 50 - 70
USD/tấn so với Thái Lan. Nếu xây dựng thương hiệu tốt hơn, gạo Việt Nam có thể
tăng thêm 30 - 40 USD/tấn.
Do vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, gạo là mặt hàng xuất
khẩu hàng đầu của Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc xây dựng
thương hiệu gạo xuất khẩu Việt Nam là hết sức cấp thiết để tạo sức cạnh tranh,
đưa lúa gạo Việt Nam đứng vững trên thị trường quốc tế, đặc biệt là thâm nhập
sâu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.
Vì vậy “Bộ sẽ định hướng và quy hoạch trong việc đầu tư, triển khai các giống
lúa ở các vùng tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất lúa xuất khẩu. Tổ chức
sản xuất tập trung, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, canh tác theo tiêu chuẩn
Gap (Good Agricultural Practice), nhằm tạo ra khối lượng lúa lớn, đồng bộ, tạo
điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu”, ông Phát nói.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng nhiều thương hiệu gạo đặc sản trong
nước gắn với chỉ dẫn địa lý như: Tám xoan Hải Hậu, thơm Chợ Đào, Jasmine...
hình thành hệ thống thu mua lương thực, khuyến khích tiêu thụ theo hợp đồng
giữa doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu và người sản xuất. Áp dụng các
tiến bộ kỹ thuật trong việc cải tạo giống, đảm bảo chất lượng lúa ổn định, phát
triển công nghệ sau thu hoạch, bảo quản tốt khâu tồn, trữ, hệ thống kho dự trữ
gạo... Tổ chức đào tạo, hướng dẫn về xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu cho
doanh nghiệp, cán bộ địa phương.
“Năm 2012 sẽ tập trung nhiều hơn cho gạo chất lượng cao bằng việc triển khai
những cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL, mở rộng thị trường gạo chất lượng cao ngoài
việc xuất khẩu gạo chất lượng trung bình mang tính truyền thống”, ông Nguyễn
Trí Ngọc nhấn mạnh.
Theo BaoMoi
|