Sản
lượng xuất khẩu gạo thơm Việt Nam đầu năm sang các thị trường mới đã
tăng mạnh nhờ chất lượng tốt và giá mềm hơn so với các nước xuất
khẩu khác.
Sau
tết, gạo thơm Việt Nam đã thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà nhập
khẩu ở các thị trường tiêu thụ dòng gạo cao cấp như Hong Kong, Mỹ,
châu Âu, Úc, Trung Quốc và các nước khu vực Trung Đông. Nhiều khách hàng
nước ngoài đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tìm hiểu thị trường, ký kết
nhiều hợp đồng mua gạo chất lượng cao.
Tìm
được thị trường mới
Ông
Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, cho
biết ngay sau tết, DN này đã xuất khẩu được vài ngàn tấn gạo thơm Jasmine
(Thơm Mỹ) sang Hong Kong và Trung Quốc. Đây là hai thị trường mới mà
Việt Nam đã gây dựng được uy tín trong năm 2011. Giá gạo trong hợp đồng
vừa ký là 870 USD/tấn, tăng gần 100 USD/tấn so với trước đây. Ông Nguyễn Thanh
Long, Giám đốc Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết doanh nghiệp (DN) này cũng
vừa xuất khẩu vài trăm tấn gạo thơm Jasmine sang thị trường châu Âu và
Trung Đông.
Ông
Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nói:
“Đầu năm nay, khi thị trường gạo thường hầu như không có hợp đồng thương mại
mới thì chúng ta vẫn ký được hợp đồng gạo thơm. VFA vừa xuất sang Hong Kong
gần 40.000 tấn gạo. Mỗi năm Hong Kong nhập khẩu khoảng 300.000 tấn gạo thơm các
loại, đây là thị trường còn nhiều tiềm năng của gạo thơm Việt Nam. Các thị
trường mới như Singapore, Mỹ, Úc, châu Âu và Trung Đông cũng đang đặt
hàng gạo thơm Việt Nam ngày càng nhiều. Gạo thơm vào thị trường này gồm
KDM (Hương Lài), Jasmine (Thơm Mỹ), Tài Nguyên, Nàng Thơm Chợ Đào, ST1, ST2,
ST3”.
Theo
ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến
Tre), sản lượng xuất khẩu gạo thơm Việt Nam đầu năm nay tăng rõ rệt
nhờ giá mềm, chất lượng tốt. Thị trường “ăn” gạo thơm của Việt Nam nhiều nhất
là Hong Kong, kế đến là Singapore, các nước châu Âu, Mỹ…
Tăng
giá nhờ Thái Lan
Hiện
tại, nhiều nước đã chấp nhận mua gạo thơm Việt Nam do chất lượng không thua kém
gạo thơm Thái Lan nhưng giá cả lại cạnh tranh hơn. Với tình hình này, năm 2012,
gạo thơm Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách tăng giá của Thái Lan.
Theo
các DN xuất khẩu gạo, chính sách can thiệp mua lúa giá cao của Thái Lan đối với
gạo thơm (thị trường hầu như dành riêng cho Thái Lan, kế đến là Việt Nam) đã có
tác động rõ nét. Giá gạo thơm Thái Lan hiện trên 1.000 USD/tấn, tăng từ 100 đến
200 USD/tấn so với giá bán trước đó. Thái Lan cũng đang muốn đẩy giá lên
1.200-1.300 USD/tấn trong thời gian tới. Giá gạo thơm Việt Nam nhờ đó cũng đã
được đẩy lên mức 800 USD thậm chí 870 USD/tấn, tăng khoảng 30-40 USD/tấn so với
trước.
Năm
2011, nông dân nước ta thắng lớn khi sản xuất và xuất khẩu trên 400.000
tấn gạo thơm. Do vậy, theo chỉ đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam,
vụ đông xuân năm 2012 sẽ là vụ chính tập trung trồng nhiều lúa thơm.
Diện tích trồng lúa thơm chắc chắn sẽ được mở rộng, sản lượng thu
hoạch sẽ tăng cao, lượng gạo thơm sẽ dồi dào cho xuất khẩu.
Gạo
giá rẻ có nguy cơ mất thị phần
Tuy
nhiên, thị trường xuất khẩu gạo cấp thấp, trung bình của Việt Nam
đầu năm đang im ắng, hầu như chưa ký được hợp đồng mới nào. Sự cạnh
tranh từ Ấn Độ, Pakistan với giá thấp, DN nước ngoài ép giá là những
khó khăn lớn nhất mà DN xuất khẩu gạo nước ta đang gặp phải.
Ông
Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến
Tre), cho biết mới ký được các hợp đồng tập trung với Malaysia, Trung
Quốc còn Indonesia thì “đang đàm phán”, Philippines thì “chờ thỏa thuận
sau khi họ ngừng nhập gạo Ấn Độ”. Dòng gạo thông dụng đang chựng
lại, sẽ gây nhiều khó khăn không chỉ đầu năm mà cả năm. Hiện nay, lượng
gạo tồn kho của châu Phi còn nhiều, nước ta lại đang vào vụ đông xuân
nên các DN nước ngoài không muốn mua vào vì lo sợ mua từ đầu vụ giá
cao, đến cuối vụ giá thấp thì bị “hớ”. “Có nhiều DN nước ngoài còn
ép giá DN nước ta, như giá gạo trắng 25% tấm là 470 USD/tấn phải
giảm xuống 420 USD/tấn thì họ mới mua. Thật ra, nếu giảm giá chưa chắc
DN nước ngoài đã mua trong thời điểm này!” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông
Tuấn dự báo trong năm 2012, các nước xuất khẩu gạo cấp thấp như Ấn
Độ, Pakistan và Myanmar sẽ được mùa và sản lượng xuất khẩu đều tăng.
Đây thực sự là sự cạnh tranh lớn nhất của xuất khẩu gạo nước ta.
Lợi thế về cự ly vận chuyển, giá cả đã giúp các nước này chiếm
lĩnh các thị trường truyền thống của ta như châu Phi, Philippines,
Indonesia… Lúc đầu, chất lượng gạo của họ có thể kém hơn so với
nước ta nhưng dần dà họ sẽ gây áp lực rất lớn cho DN xuất khẩu gạo
Việt Nam.
Theo
ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, dù
giá gạo nội địa đang ở mức thấp nhưng dòng gạo trắng cấp thấp và
trung bình xuất khẩu lại ở mức giá cao nên đầu năm công ty vẫn chưa
ký được hợp đồng mới nào. Các DN nước ngoài đang có tâm lý chờ đợi
thu hoạch vụ đông xuân xong giá gạo có thể xuống thấp hơn mới nhập
gạo Việt Nam.
Cơ hội nâng cao chất lượng
Hiện nay, gạo thường Việt Nam
chưa thể cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Pakistan do giá gạo Việt Nam cao hơn.
Tuy nhiên, sản lượng gạo xuất khẩu nhìn chung không vì thế mà giảm mạnh. Điều
quan trọng là Việt Nam có thể lấp vào khoảng trống do Thái Lan để lại với
loại gạo cao cấp là gạo thơm và gạo 5% tấm. Không những vậy, đây cũng là cơ
hội để Việt Nam nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Ông TRƯƠNG
THANH PHONG, Chủ tịch VFA
Quyết giữ thị trường truyền
thống
Gạo thơm đắt hàng, hút
thị trường mới là điều đáng mừng, tuy nhiên thị trường truyền
thống ở dòng gạo trung bình vẫn phải được chú ý. Năm 2011, mặc dù
gạo Ấn Độ, Pakistan bán giá thấp nhưng nhiều bạn hàng truyền thống
ở Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn nhập gạo Việt Nam với số lượng
lớn. Vì vậy, hiệp hội và các DN Việt Nam cần có những chính sách
chăm sóc, giữ chắc các thị trường này.
Ông NGUYỄN
HÙNG LINH,
Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang
|
Theo PhapLuat