|
Thông
tin từ các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh mặc dù đã qua kỳ nghỉ
tết cả tháng, nhưng hiện mới có khoảng 80% lao động đi làm trở lại. Các ngành
thiếu hụt lao động chủ yếu thuộc sản xuất gia công như dệt, may, giày da, chế
biến lương thực- thực phẩm…
Bà
Hoàng Thị Khánh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn (quận Tân Phú) cho biết,
hiện công ty đang thiếu khoảng 200 lao động cho dây chuyền may giày xuất khẩu.
Theo
bà Khánh, nguyên nhân dẫn tới tình trạng công nhân không trở lại làm việc đúng
thời gian là do phương tiện di chuyển hạn chế, vui tết kéo dài chưa muốn làm
việc lại, việc gia đình tại quê nhà... Tuy nhiên nguyên nhân chủ quan vẫn là sự
mong muốn của nhiều người lao động sau tết trông chờ sự thay đổi công việc tốt
hơn, thu nhập cao hơn. “Để có đủ số nhân công đứng máy, chúng tôi đã phải tăng
lương thêm 20% so với trước Tết, kèm theo phụ cấp 250.000 đồng tiền nhà
trọ/tháng, hy vọng khoảng nửa tháng nữa sẽ tập hợp được nhân lực”- bà Khánh cho
biết.
Cùng
chung cảnh thiếu lao động, ông Trần Khắc Bích, Giám đốc Công ty D&H (quận
Tân Bình) bức xúc, công ty bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm để đào tạo công
nhân ngành may, thêu gia công xuất khẩu nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Có
hai lý do khiến nguồn nhân lực bị mất dần như: vì tính chất đặc thù của ngành
nên DN không thể trả lương cao, mặt khác số công nhân được đào tạo tay nghề đã
về quê làm việc tại các KCN hoặc đến với các công ty khác có mức lương nhỉnh
hơn. Ông Bích cho biết, việc đào tạo công nhân là chiến lược dài hơi và khá bài
bản của công ty nhưng khả năng “giữ chân” công nhân làm việc với mình thì không
thể.
Giám
đốc một công ty chế biến gỗ (Quận Thủ Đức) chia sẻ, để có đủ nhân công làm việc
ổn định, trước khi cho công nhân nghỉ Tết, công ty đã thông báo tăng lương đồng
loạt 20% từ đầu tháng 2/212 và thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ tốt. Tuy
nhiên, tới nay, số lao động vào làm việc vẫn thiếu hơn nửa. Do thiếu nhân công
nên dù được đối tác đặt nhiều đơn hàng công ty vẫn không dám nhận. Hiện công ty
đang tích cực thông báo chiêu mộ lao động, song phải hết tháng 3/2012 mới tuyển
đủ và ổn định sản xuất.
Ngoài
các DN trên, hàng loạt công ty ở KCX Tân Thuận (Quận 7) cũng đang treo bảng
tuyển người, đặc biệt là lao động phổ thông với số lượng cần bổ sung lên đến
hàng trăm. Để lôi kéo lao động, nhiều nơi công bố các chế độ hấp dẫn như phụ
cấp nhà ở, đi lại, xăng xe, đi du lịch hàng năm, thậm chí nâng ngày nghỉ phép
lên 21 ngày (thay vì 12 ngày như đã áp dụng)... Tuy nhiên, không phải DN nào
cũng tuyển được đủ số lao động như mong muốn.
Ông
Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban KCX - KCN TP. HCM (HEPZA) cho biết, trong quý
I/2012, số lao động các DN tại HEPZA cần tuyển từ 5.000-7.000 người, trong đó
70% là LĐPT. Những DN chuẩn bị đầu tư trong các KCX-KCN cũng có nhu cầu tuyển
khoảng 1.000 kỹ sư và lao động cao cấp. Mặc dù có sự liên kết với nhiều trường,
nhiều địa phương nhưng do tình hình lao động khan hiếm chung nên hiện nay mức
độ nhân lực chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tuyển dụng, nhất là với lao động phổ
thông.
Dự
báo về tình hình nhân lực thành phố trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn, Phó
giám Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM
nhận định, từ nay đến hết quý II/2012, nguồn nhân lực của các DN trên địa bàn
thành phố sẽ tiếp tục thiếu hụt. Cụ thể, các DN sẽ cần khoảng trên 150.000 chỗ
làm việc, trong đó nhân lực có độ đại học - trên đại học (12,51%), cao đẳng
(12,00%), trung cấp (18,13%), công nhân kỹ thuật – sơ cấp nghề (12,34%), lao
động phổ thông (45,02%).
Theo
ông Tuấn, để khắc phục thâm hụt lao động, DN nên chú trọng xây dựng kế hoạch
nhân lực trung hạn và dài hạn về cơ cấu ngành nghề, quy mô, chất lượng và thông
tin về nhu cầu xã hội. Xây dựng những chính sách về đào tạo, nâng cao tay nghề,
nâng cao năng suất lao động, tiền lương, phúc lợi và khen thưởng để thu hút
nhân lực phù hợp thực tế đời sống xã hội và giá trị sức lao động, đặc biệt đối
với lực lượng lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.
Theo CongThuong
|