Lượng hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU từ đầu năm đến giữa tháng 3-2012 đã giảm trung bình từ 25% đến 30% so với cùng thời điểm năm 2011, theo số liệu thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).
Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Vitas cho biết, do cuộc khủng hoảng nợ của các quốc gia EU, người tiêu dùng siết chặt chi tiêu, thị trường nhập khẩu bị thu hẹp, nên lượng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường này ước giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Các nhà nhập khẩu EU đang chuyển dần những đơn hàng từ Việt Nam sang Campuchia, Lào và Bangladesh nhằm tránh mức thuế nhập khẩu 10%, do những quốc gia này còn được hưởng tiêu chuẩn Tối huệ quốc (MFN) với mức thuế suất nhập khẩu 0% của EU dành cho những quốc gia đang phát triển”, ông Hồng nói.
Nếu mua hàng dệt may từ Việt Nam, các nhà nhập khẩu từ EU phải chịu mức thuế 10%, vì Việt Nam đã không còn trong danh sách những quốc gia được hưởng tiêu chuẩn MFN. Đây là nguyên nhân lớn nhất khiến các nhà nhập khẩu EU chuyển đơn hàng từ Việt Nam sang các quốc gia khác để tiết kiệm chi phí.
Ông Hồng cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp nhỏ trong ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn do các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng và giảm lượng đặt hàng từ Việt Nam. Các doanh nghiệp với quy nhỏ cũng khó đáp ứng những tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội mà các nhà nhập khẩu EU đang ngày càng siết chặt hơn.
Thông thường vào thời điểm này, các doanh nghiệp đã có đơn đạt hàng đến hết quý 3, nhưng hiện tại các nhà nhập khẩu chỉ đặt hàng cầm chừng, nhiều doanh nghiệp cũng chưa có đơn hàng thực hiện trong quý 2 năm 2012.
Đơn hàng từ châu Âu đã có dấu hiệu giảm sút từ đầu năm nay. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 1-2012 sang thị trường EU chỉ ở mức 186 triệu đô la Mỹ, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2011. Năm 2012, toàn ngành dệt may đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỉ đô la Mỹ, tăng 10-12% so với năm 2011.
Theo The Saigon Times